Hướng dẫn, tạo điều kiện để hoạt động hành nghề y, dược tư nhân phát triển
Nhiều cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội đầu tư tốt về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đảm bảo tốt các điều kiện khám bệnh, chữa bệnh và điều kiện bảo quản, phân phối thuốc.
Y tế tư nhân góp phần giảm tải đáng kể cho y tế công lập
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác y tế, y tế ngoài công lập được khuyến khích phát triển và được coi là một bộ phận của hệ thống y tế cả nước. Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách để khuyến khích các cơ sở y tế ngoài công lập có điều kiện phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Tính đến ngày 01/6/2024, tổng số cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn Thành phố là 15.339, trong đó: Cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là 4.648 cơ sở; Số cơ sở hành nghề Dược là 10.691 cơ sở. Các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hàng năm thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, cung ứng thuốc cho hàng triệu lượt bệnh nhân; góp phần đáng kể vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, từ năm 2021 đến nay, Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập; các văn bản chỉ đạo trong công tác cấp chứng chỉ hành nghề, cấp giấy phép hành nghề và cấp phép hoạt động hành nghề y, dược.
Năm 2023, UBND Thành phố ban hành Chỉ thị 02/2023/CT-UBND ngày 08/02/2023 về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập (thay thế cho Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 02/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập). Chỉ thị có sức lan tỏa rất lớn, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện việc quản lý nhà nước về y, dược ngoài công lập trên địa bàn. Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn.
Về cơ bản, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề. Các cơ sở hành nghề khi được cấp phép hoạt động thực hiện hoạt động theo phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt; thực hiện cung ứng thuốc đúng quy định.
Nhiều cơ sở đầu tư tốt về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đảm bảo tốt các điều kiện khám bệnh, chữa bệnh và điều kiện bảo quản, phân phối thuốc. Trên thực tế các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập đã đóng góp tích cực trong hoạt động khám chữa bệnh ban đầu, giảm tải đáng kể cho hệ thống y tế công lập.
Về thủ tục hành chính trong cấp phép, hiện nay Sở Y tế đang thực hiện 47 thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và 26 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Dược - Mỹ phẩm. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (một cửa) và trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế.
Cùng với đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc thường xuyên tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, quy trình … để có phương án và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Bộ phận “Một cửa”, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Phối hợp trong công tác thanh tra, giám sát và cấp phép hoạt động
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn Thành phố được chú trọng. Từ 01/01/2021 đến 31/5/2024, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 1.115 cơ sở.
Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính: 695 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 13,5 tỷ đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh 26 cơ sở; tước chứng chỉ (giấy phép) hành nghề khám bệnh, chữa bệnh 27 bác sỹ; đình chỉ hoạt động 2 cơ sở; chuyển 02 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an điều tra, khởi tố; xử lý 52 cơ sở hoạt động không phép, hình thức xử lý là xử phạt vi phạm hành chính theo khung phạt quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đình chỉ hoạt động của cơ sở, đồng thời có thông báo gửi Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã nơi có cơ sở hoạt động không phép để thực hiện chức năng quản lý, giám sát trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Cao Cương, hiện nay, số lượng cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn lớn, trong khi số lượng cán bộ thực hiện công tác thẩm định, cấp phép rất mỏng (chỉ có 6 biên chế) nên công tác cấp phép đôi lúc bị quá tải, công tác hậu kiểm sau cấp phép chưa triển khai được nhiều.
Trong khi đó, việc chấp hành pháp luật của một bộ phận người hành nghề, chủ các doanh nghiệp còn chưa nghiêm, cố tình lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi trái quy định. Cá biệt có những cơ sở đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn có sai phạm trong quá trình hoạt động; có cơ sở đang trong thời gian đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành và vẫn lén lút hoạt động, thông qua việc quảng cáo trên mạng và giao dịch với người bệnh thông qua mã khám bệnh, điện thoại.
Đáng chú ý, hiện nay, công tác quản lý hành nghề đang triển khai theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023, tuy nhiên Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế đang thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009, khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND Thành phố với UBND Thành phố Hà Nội về quản lý y, dược tư nhân trên địa bàn từ năm 2021 đến nay, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, để khắc phục những hạn chế nêu trên, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công khai minh bạch các cơ sở vi phạm trên môi trường mạng để người dân được biết.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý và chia sẻ dữ liệu; rà soát, đánh giá lại việc phân cấp ủy quyền, trên cơ sở đó báo cáo Ban cán sự, tập thể UBND Thành phố có sự điều chỉnh, bố trí lực lượng hợp lý, đặc biệt là trách nhiệm của các cấp khi được giao nhiệm vụ…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, các cơ sở y, dược tư nhân đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, nhiều cơ sở y tế đã triển khai được các kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm với các bệnh viện công lập và bệnh viện trong khu vực, đóng góp tích cực trong khám chữa bệnh cho Nhân dân, giảm tải đáng kể cho y tế công lập.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số tồn tại trong hoạt động quản lý, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân vẫn có các vi phạm như: hành nghề không phép; hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; quảng cáo dịch vụ y tế, quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm chức năng sai quy định, không đảm bảo quy chế chuyên môn trong quá trình hoạt động... Cá biệt còn tồn tại tình trạng cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị UBND Thành phố thực hiện rà soát để có những hướng dẫn hoặc điều chỉnh, bổ sung, thay thế, đảm bảo các quy định phù hợp với thực tiễn. Chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu, tham mưu, phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các phòng khám chuyên khoa, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược, nhà thuốc bảo đảm nguyên tắc đặt chuyên môn, sức khỏe người dân lên hàng đầu.
Sở Y tế Hà Nội tham mưu UBND Thành phố hướng dẫn, tạo điều kiện để hoạt động hành nghề y, dược tư nhân phát triển. Ngoài thanh tra độc lập, cần phối hợp liên ngành, công bố vi phạm để người dân biết, theo dõi, giám sát./.