Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Mới đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành chi hỗ trợ cho người bán vé số. Ảnh: Đào Như

UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành chi hỗ trợ cho người bán vé số. Ảnh: Đào Như

Về tiêu chí để được hỗ trợ, lao động tự do bị mất việc làm, do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 từ 15 ngày trở lên (trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến ngày 31.12.2021), cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đối tượng được hỗ trợ là lao động tự do thực hiện một trong các công việc như: Thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe 2 bánh, 3 bánh, xe tải nhỏ từ 2 tấn trở xuống; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 02 bánh; Bán lẻ vé số xổ số kiến thiết; Bán hàng rong, sửa chữa đồ gia dụng, buôn bán nhỏ lẻ; Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục tư thục, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập ký hợp đồng khoán việc có quyết định thôi việc.

Lao động tự do trong các lĩnh vực: ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, nail); lĩnh vực dịch vụ (karaoke, spa, internet, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng trà, phòng tập gym, thể dục thể thao), lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng.

Người lao động làm thuê trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Bao gồm: người làm thuê các công việc trong trồng trọt, chăn nuôi; chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản.

Người lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng khoán việc, công nhật, học việc, thử việc (gọi chung là người làm việc không có bảo hiểm xã hội bắt buộc) trong các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh, Trang trại.

Người lao động tự do làm việc trong các lĩnh vực khác phải tạm dừng công việc theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid – 19 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bao gồm: Tài xế, phụ xế lái xe chở khách thuê; Buôn gánh bán bưng; phụ mua bán trong các sạp chợ; phục vụ nhà hàng hiếu hỉ; người tự làm hoặc làm thuê thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất nhỏ lẻ.

Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/ người, đối với người lao động có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày trở lên (chỉ hỗ trợ 1 lần cho 1 người). Người lao động gửi đơn đề nghị đến UBNF các xã, phường, thị trấn trước ngày 31.12.2021.

Người lao động làm thuê trong các cơ sở, hộ kinh doanh phải có xác nhận của chủ cơ sở; Người lao động có nơi thường trú hoặc tạm trú không trong phạm vi tỉnh Tây Ninh phải cam kết không lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ tại nơi khác nơi người lao động đang thường trú, tạm trú.

Trong 6 ngày làm việc, UBND cấp xã phải tổ chức rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội; Công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 3 ngày làm việc; Tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố (thông qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội).

Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Trong 3 ngày làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt; Căn cứ Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã chi trả hỗ trợ trong 3 ngày làm việc.

Đ.H

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/huong-dan-thuc-hien-chinh-sach-ho-tro-doi-voi-lao-dong-tu-do-gap-kho-khan-do-dai-dich-covid-19-a136513.html