Hướng dẫn triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời
Triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 51 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Y tế vừa ban hành "Hướng dẫn triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời" (Hướng dẫn) với mục tiêu hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời và trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 2 tuổi.
Theo đó, năm 2023, sẽ tổ chức triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 40% các xã vùng III (tương đương với 600 xã tại 39 tỉnh/thành trên toàn quốc). Đến năm 2025, duy trì mô hình và nâng cao chất lượng của mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 40% xã vùng III (tương đương với 600 xã tại 39 tỉnh/thành trên toàn quốc).
Đối tượng hưởng lợi trực tiếp của mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời là phụ nữ mang thai; bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 2 tuổi; trẻ em từ 0 đến dưới 2 tuổi; hộ gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi tại xã có triển khai mô hình.
Phạm vi thực hiện
Theo Bộ Y tế, sẽ triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 51 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên sử dụng Ngân sách Trung ương của Chương trình để thực hiện tại các xã khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 cửa Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Có thể áp dụng "Mô hình Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời" để triển khai tại các địa bàn khác với nguồn ngân sách huy động hợp pháp khác.
Viện Dinh dưỡng chịu trách nhiệm hướng dẫn địa phương triển khai mô hình, đồng thời trực tiếp triển khai thí điểm tại 9 xã thuộc 3 tỉnh Lào Cai, Đắk Lắk và Trà Vinh.
Phòng tư vấn Nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Theo Hướng dẫn, sẽ thực hiện mô hình phòng tư vấn Nuôi dưỡng trẻ nhỏ nhằm cung cấp kiến thức về Nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua các cuộc tư vấn cá nhân hoặc tư vấn nhóm từ lúc bà mẹ mang thai và liên tục cho đến hai năm đầu đời của trẻ tại cơ sở y tế.
Phòng tư vấn sẽ tư vấn cho các bà mẹ giai đoạn khi mang thai, giai đoạn trong và ngay sau khi sinh, giai đoạn sau sinh.
Ở giai đoạn khi mang thai, phụ nữ mang thai cần được chăm sóc thai nghén và dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, bà mẹ cần được cung cấp kiến thức về việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) để tạo một khởi đầu tốt cho việc NCBSM sau này.
Phụ nữ mang thai sẽ được tư vấn 3- 4 lần trước sinh, kết hợp cùng với khám thai; 2-3 lần tư vấn cá nhân, 1 lần tư vấn nhóm. Mục đích để bà mẹ biết được tầm quan trọng của chăm sóc dinh dưỡng hợp lý, tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ; bà mẹ thực hành được chế độ dinh dưỡng và vận động, nghỉ ngơi hợp lý trong thời gian mang thai.
Nội dung tư vấn sẽ tập trung vào chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời gian mang thai. Bên cạnh đó, nội dung nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tư vấn vào 3 tháng cuối thai kỳ bao gồm tầm quan trọng của việc cho bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng; các hoạt động hỗ trợ cho NCBSM tại địa bàn; niềm tin vào khả năng có thể NCBSMHT và cam kết thực hiện NCBSMHT.
Giai đoạn trong và ngay sau khi sinh: Nội dung hỗ trợ là hoạt động hỗ trợ tích cực bà mẹ trong việc cho con bú bữa đầu tiên sau sinh.
Giai đoạn sau sinh, sẽ tư vấn hướng dẫn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú. Khi trẻ 0-6 tháng tuổi: Bà mẹ cần được giúp đỡ, hỗ trợ để đảm bảo cho trẻ bú sớm ngay sau sinh và bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi trẻ 6-24 tháng tuổi: Bà mẹ cần biết cách cho con ăn bổ sung (ABS) hợp lý theo từng độ tuổi và duy trì cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
Nhóm hỗ trợ Nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Theo Hướng dẫn, nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ là nhóm các bà mẹ, ông bố hoặc thành viên của các gia đình sống trong cùng một thôn/bản, có bà mẹ mang thai ba tháng cuối hoặc trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi. Những người trong nhóm thường là biết nhau, có chung các tập quán, niềm tin, và thông qua các buổi sinh hoạt nhóm họ được cung cấp kiến thức và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Cách thức hoạt động của mô hình nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ như sau: Tại mỗi thôn/bản, ba cán bộ cơ sở được lựa chọn để điều hành các nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Họ có thể là các cán bộ y tế thôn bản, cán bộ Hội Phụ nữ thôn, cộng tác viên dinh dưỡng hoặc/và trưởng thôn. Để đảm bảo hoạt động của các nhóm này được hiệu quả, các cán bộ điều hành nhóm cấp thôn bản sẽ chịu sự giám sát của cán bộ y tế cấp xã. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế cấp huyện và cấp tỉnh cũng tham gia giám sát hỗ trợ hoạt động của các nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Cuộc họp của nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ được tổ chức định kỳ hàng tuần hoặc cách tuần với sự tham gia của các thành viên (bà mẹ, người chăm sóc, các thành viên trong gia đình). Tùy thuộc vào chủ đề phù hợp mà các đối tượng tham gia có thể là toàn bộ nhóm hoặc một số đối tượng đặc thù (chỉ có các bà mẹ mang thai, chỉ có các bà mẹ cho con bú, chỉ có các bà mẹ cho con ăn bổ sung, hoặc toàn bộ nhóm). Các cuộc họp thường kéo dài trong một giờ đồng hồ ngay tại nhà văn hóa thôn, nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của cả thôn.
Các chủ đề họp nhóm nuôi dưỡng trẻ nhỏ (có thể bổ sung thêm tùy tình hình và vấn đề dinh dưỡng trên địa bàn) có thể là: Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú; cho trẻ bú mẹ sớm sau khi sinh; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đúng cách; cho trẻ ABS đúng thời điểm: Cho trẻ ăn phù hợp theo độ tuổi với nhiều loại thức ăn khác nhau (thực hành chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ bằng thực phẩm tại địa phương); thực hiện vệ sinh sạch sẽ khi chuẩn bị thức ăn và khi cho trẻ ăn; tầm quan trọng của Dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời và sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng; tầm quan trọng của Nuôi con bằng sữa mẹ và sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng…