Hướng dẫn viên du lịch bỏ nghề xe ôm, shipper, chờ thị trường bùng nổ
Từng phải làm shipper giao hàng, bảo vệ hay nhiều công việc khác để duy trì cuộc sống, hướng dẫn viên du lịch giờ hào hứng quay lại nghề khi thị trường mở cửa.
Sau thời gian dài làm shipper giao hàng rồi bảo vệ, anh Phạm Tiến Hữu (sinh năm 1989, Hà Nội) vui mừng khi được quay trở về với công việc chính của mình là hướng dẫn viên du lịch.
Theo anh Hữu, sau khi du lịch Việt Nam được mở cửa hoàn toàn, nhiều đơn vị lữ hành liên hệ giao khách cho anh dẫn tour, lượng khách tăng mạnh giúp những hướng dẫn viên du lịch như anh lại bận rộn như xưa.
“Sau 7 năm làm nghề, du lịch cho tôi mức thu nhập tốt. Chỉ vì dịch bệnh khiến công việc bị dừng quá lâu, tôi phải làm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống. Bây giờ, khi thị trường hồi phục, tôi bỏ hết mọi nghề tay trái để tập trung làm hướng dẫn viên du lịch”, anh Hữu vui vẻ nói.
Đang dẫn đoàn khách đi tham quan tỉnh Điện Biên, tranh thủ giờ nghỉ trưa, hướng dẫn viên Hoàng Trọng Phú (quê Nam Định) cho biết, từ giữa tháng 3 đến nay, anh luôn kín lịch dẫn khách đi tour, hiện đã có lịch kín tới ngày 20/4.
Anh Phú bày tỏ niềm vui khi được trở lại với công việc yêu thích của mình. Suốt thời gian du lịch đóng cửa, anh Phú phải làm nhân viên cho một hãng nước giải khát. Tuy thu nhập hiện vẫn đủ chi tiêu cá nhân và duy trì cuộc sống nhưng sau khi nhận được những đơn dẫn khách đi tour đầu tiên, anh không suy nghĩ nhiều đã lập tức nghỉ việc bán hàng để trở lại với nghề.
"Không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác trước đây phải bán hàng online giờ cũng đã quay lại với công việc rồi”, anh Phú nói.
Trong tuần làm thêm, cuối tuần đi tour
Tuy nhiều nhân sự đã quay lại với công việc nhưng do thị trường chưa phục hồi hoàn toàn nên hiện tại lượng hướng dẫn viên du lịch chỉ mới đáp ứng khoảng 40 - 50% nhu cầu của doanh nghiệp. Phần lớn vẫn chịu cảnh cuối tuần dẫn tour, còn trong tuần không có khách, phải làm thêm nhiều việc khác.
“Thời gian nghỉ, chúng tôi làm bất động sản, shipper... Cũng có một số người đã tìm được công việc ổn định nên không muốn quay lại làm du lịch nữa, cũng có người không muốn gắn bó lâu dài với công việc bấp bênh này”, hướng dẫn viên Phạm Tiến Hữu chia sẻ.
Trong tình trạng chưa nhận được nhiều lịch dẫn tour, anh Lê Đình Ban (28 tuổi, quê Thanh Hóa) hiện phải làm cùng một lúc hai việc.
“Việc dẫn tour chỉ mới lác đác chứ chưa quay lại 100% như trước. Thời gian rỗi, tôi phải nhận giao hàng thuê. Nhiều lúc có ý định bỏ hẳn nghề nhưng giờ đây du lịch mở cửa trở lại nên tôi vẫn nuôi hy vọng, mong ngóng từng ngày để được đi làm trọn vẹn như xưa", anh Ban cho biết.
Theo anh Ban, bên cạnh những tín hiệu tích cực khi ngành thị trường đang phục hồi, vẫn còn nhiều khó khăn mà hướng dẫn viên du lịch đang phải đối mặt. Sau thời gian dài đóng cửa vì COVID-19, cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch địa phương rất thiếu thốn, khiến du khách không thể được hưởng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất. "Hiện nhiều cơ sở ăn uống hay nghỉ dưỡng chưa mở lại như xưa. Mấy hôm trước, tôi dẫn đoàn khách đi tham quan một điểm du lịch ở Cao Bằng, chỉ duy nhất một nhà hàng mở cửa, dịch vụ ăn uống không đa dạng như trước làm tour của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng về chất lượng”, anh Ban kể lại và cho biết thêm, hiện doanh nghiệp của anh phải hủy khá nhiều tour vì địa phương chưa mở cửa hoặc chất lượng không đáp ứng nhu cầu.
Chia sẻ với VTC News, một lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội nói: “Do thời gian mở cửa chưa lâu nên nhiều điểm du lịch ở các địa phương chưa chuẩn bị kịp để có những dịch vụ tốt nhất. Những người tổ chức tour như chúng tôi phải rất vất vả trong việc kết nối với điểm du lịch địa phương và thông tin tới khách hàng, cũng như thường xuyên cập nhật thay đổi về giá cả hay hành trình tour. Tất cả đều mong thị trường ổn định, bùng nổ trong thời gian tới để ngành du lịch ngày càng khởi sắc hơn”.