Hướng đến hệ sinh thái đồng bộ trong chuyển đổi số
Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023 với chủ đề 'Kiến tạo dữ liệu số - Thúc đẩy liên kết vùng' được kỳ vọng sẽ đưa ra những chiến lược chuyển đổi số (CĐS) trong giai đoạn mới cho Thừa Thiên Huế. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Xuân Sơn đã có những chia sẻ về hoạt động quan trọng này với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.
Thưa ông, Tuần lễ CĐS năm nay có những điểm nhấn nào đặc biệt?
Diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11, sự kiện gồm nhiều hoạt động phong phú, như hội nghị phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo chuyên sâu cùng Triển lãm & VIP Tour giới thiệu các nền tảng, giải pháp, hạ tầng số. Kết nối đầu tư, gặp gỡ song phương với lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành, doanh nghiệp và ký kết hợp tác CĐS.
Với Chủ đề: “Kiến tạo dữ liệu số - Thúc đẩy liên kết vùng”, hội nghị phiên toàn thể tập trung vào định hướng của Chính phủ về dữ liệu. Những kết quả và thành tựu trong khai thác dữ liệu, song song đó là mở rộng về liên kết dữ liệu vùng, với những giải pháp để các tỉnh, thành cùng “bắt tay” phát huy giá trị dữ liệu trong thời đại số.
Các hội thảo chuyên đề về Quản trị và Khai thác dữ liệu số - Đột phá phát triển kinh tế, xã hội - hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025; Thúc đẩy CĐS doanh nghiệp (DN) và Chuyên đề Năng lực số - cơ hội bứt phá của người Việt trẻ. 3 phiên hội thảo sẽ làm rõ các loại hình dữ liệu, nền tảng và phương thức khai thác dữ liệu để đóng góp, thúc đẩy vào tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuần lễ CĐS năm nay còn diễn ra Vòng thuyết trình, Chung tuyển và Lễ trao giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture Award). Ngoài ra, còn có các hoạt động diễn ra trước sự kiện: Hội thảo Truyền thông số toàn tỉnh; Diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; Triển lãm sản phẩm nền tảng, giải pháp công nghệ số tiêu biểu do VINASA chủ trì…
Chuỗi sự kiện dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của hơn 50 diễn giả, gần 2.000 lượt đại biểu tham dự các phiên hội nghị, 30 gian hàng triển lãm, khoảng 3.000 lượt đại biểu tham quan triển lãm.
Sau 2 kỳ tổ chức, Tuần lễ CĐS lần này kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu, thay đổi nào?
Tuần lễ CĐS Huế hướng tới làm rõ hơn giá trị của dữ liệu số, thông qua đó, các cấp, ngành sẽ hoạch định cho mình chính sách xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu tốt hơn.
Hiện phát triển dữ liệu cần các yêu cầu: Đầu vào của chính sách và nền tảng khai thác đảm bảo dữ liệu luôn luôn “sống”. “Dữ liệu sống” khi nó được liên thông. Nói cách khác, một dữ liệu được sử dụng cho nhiều ngành, lĩnh vực thì giá trị sẽ nhân lên gấp nhiều lần so với cái độc lập của từng cấp, ngành. Chưa kể việc độc lập dữ liệu, xây dựng dữ liệu riêng sẽ nảy sinh việc trùng lắp, không chính xác, dữ liệu “rác”, tạo nguy cơ trong việc khai thác dữ liệu đem lại.
Tại Thừa Thiên Huế, việc liên kết và chia sẻ dữ liệu hiện nay ra sao, thưa ông?
Liên kết, chia sẻ dữ liệu được tỉnh định hướng, chỉ đạo từ sớm và được các sở, ngành thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện sự liên kết, chia sẻ chưa đạt như kỳ vọng, có liên kết, mục tiêu đã thực hiện nhưng để có kết quả cần sự đánh giá, điều chỉnh.
Qua thực tiễn liên kết, chia sẻ dữ liệu đã phát sinh nhiều vấn đề tương đối khó, đòi hỏi chúng ta cần có sự đầu tư, đánh giá một cách khoa học về công tác dữ liệu, khi đó, sự liên thông, liên kết mới tốt hơn.
Thừa Thiên Huế được đánh giá là “điểm sáng” của cả nước trong triển khai chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, ông có thể chia sẻ về kết quả này?
Đến nay, hạ tầng của chính quyền điện tử đã cơ bản đạt được các tiêu chí, kết nối rộng rãi từ cấp tỉnh đến cấp xã. Các nền tảng phục vụ chỉ đạo, điều hành đã được tái cơ cấu trong một nền tảng thống nhất. Ý thức của công, viên chức trong vận hành các nền tảng số phục vụ cho chính quyền điện tử, chính quyền số, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước thông qua môi trường số tốt hơn; cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Các hoạt động trên đến thời điểm này đã đi vào nền nếp, tạo nguồn dữ liệu rất lớn, đủ cơ sở để chúng ta phân tích, nâng cấp các giải pháp tiếp theo.
Với đô thị thông minh, tỉnh xây dựng đạt kết quả tương đối ấn tượng với nền tảng Hue-S, chúng ta là đơn vị tiếp tục được đánh giá có hướng đi riêng, tương đối đặc thù, mang lại kết quả lớn. Đáng chú ý, nền tảng Hue-S sau hơn 4 năm triển khai có hơn 900.000 tài khoản đăng nhập, sử dụng, trong đó, hơn 765.000 là tài khoản người Huế, số còn lại, qua rà soát đánh giá, chúng tôi khá ngạc nhiên khi phát sinh dữ liệu truy nhập từ người dùng của 62 tỉnh, thành còn lại và từ 15 quốc gia trên thế giới.
Có được kết quả trên là nhờ trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình CĐS; lựa chọn các nội dung, giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương đã giúp Huế có bước tiến mạnh mẽ trong CĐS.
Chuyển đổi số của các doanh nghiệp cũng là chủ đề nóng tại diễn đàn năm nay, vậy ông có đánh giá gì về hoạt động này?
Sau thời gian triển khai CĐS trong DN, với sự hỗ trợ của các sở: Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), TT&TT, Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội DN tỉnh, nhìn chung CĐS trong doanh nghiệp có sự chuyển biến khá tích cực: đã chủ động tìm hiểu thông tin, tranh thủ các nền tảng số trên không gian mạng, tham gia hưởng ứng các phong trào do chính quyền phát động như chữ ký số, bản đồ điện tử, hợp đồng điện tử…
Nhưng vận hành vào thực tiễn, thay thế cách làm truyền thống sang không gian số thì nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa tìm ra cách thức phù hợp, khả năng tận dụng các nền tảng số chưa tốt.
Tại hội thảo thúc đẩy CĐS DN lần này, sẽ có hỗ trợ các nền tảng, như giúp DN cung cấp sản phẩm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử không cần tốn phí nhiều lần. Chúng tôi cũng đang phối hợp Sở KH&ĐT để hỗ trợ DN về thông tin, giải đáp thắc mắc khi lựa chọn các nền tảng CĐS phù hợp và có định hướng CĐS trong DN tốt hơn.
Theo ông, cần những giải pháp nào để công tác CĐS đi vào thực chất trong thời gian tới?
Đừng vội bàn tới công nghệ, vấn đề cốt lõi của thúc đẩy CĐS là nhận thức của người đứng đầu và kỹ năng của người dân. Nhận thức phải song hành với việc vừa hiểu vừa làm, đồng thời, nâng cao kỹ năng số của người dân trong thời đại số.
Tuy vậy, để công tác CĐS đi vào thực chất vẫn còn nhiều vấn đề, trong khi chính quyền số chúng ta tương đối ổn với nhiều kinh nghiệm triển khai thì áp lực với DN và người dân trong hoạt động phát triển xã hội số, kinh tế số, đòi hỏi có các phương pháp phù hợp, thích ứng với thực tiễn, phù hợp với xu hướng CĐS trên quan điểm Nhà nước kiến tạo, DN là động lực và người dân là trung tâm. Giải quyết được mối quan hệ này để tạo thành hệ sinh thái đồng bộ trong CĐS là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.