Hướng đến khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững

Giảm số lượng tàu cá, tăng năng lực đánh bắt là giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra để hướng đến khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.

Theo Quyết định số 389/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các địa phương trong cả nước sẽ điều chỉnh giảm tối thiểu 12% tổng số lượng tàu cá so với năm 2020. Đồng thời, cơ cấu lại ngành nghề khai thác như: Nghề lưới kéo chiếm 10%; nghề lưới vây chiếm 6,1%; nghề lưới rê chiếm 40,3%; nghề câu chiếm 18,9%; nghề lưới chụp chiếm 3%; nghề lồng bẫy chiếm 2,9%; nghề khác chiếm 16,6% và nghề hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản chiếm 2,2% tổng số tàu cá.

Tàu cá của ngư dân neo đậu tại cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).

Tàu cá của ngư dân neo đậu tại cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).

Hiện Quảng Ngãi đang có đội tàu với 4.336 chiếc, tổng công suất hơn 1,76 triệu CV. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 439 chiếc; từ 12m đến dưới 15m là 818 chiếc; từ 15m đến dưới 24m là 2.917 chiếc; từ 24m trở lên 162 chiếc. Đến cuối tháng 8/2024, đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 2.424 tàu cá (hơn 43%). Những năm qua, tỉnh thực hiện chủ trương giảm số lượng tàu cá, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép và hạn ngạch khai thác, trong đó giảm dần tàu có chiều dài dưới 15m khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng. Hiện số tàu toàn tỉnh đã giảm từ 4.758 chiếc (năm 2021) xuống còn 4.336 chiếc (tháng 8/2024). Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi hiện có 3.079 chiếc. Số lượng tàu đánh bắt giã cào đã giảm từ 32,3% (năm 2021) xuống còn dưới 29%. Dù số lượng tàu khai thác thủy sản đã giảm theo định hướng phát triển. Tuy nhiên, hiện cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành thủy sản. Quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch.

Cá sau khi đánh bắt được tập kết tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) để đưa đi tiêu thụ.

Cá sau khi đánh bắt được tập kết tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) để đưa đi tiêu thụ.

Sản lượng thủy sản khai thác trên biển của tỉnh những năm qua liên tục tăng. Cụ thể, năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 264 nghìn tấn; năm 2022 hơn 268,6 nghìn tấn; năm 2023 hơn 273 nghìn tấn. Riêng sản lượng khai thác từ đầu năm 2024 đến nay ước đạt trên 206 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không bền vững, vì các tàu có chiều dài dưới 15m khai thác ở vùng lộng, ven bờ quá mức, chưa kiểm soát tốt, dẫn đến nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt.

Để hướng đến khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững, trước hết, ngành thủy sản cần tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ để phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương. Tăng cường quản lý tàu cá, quản lý ngư trường, nguồn lợi trên địa bàn; tập trung phát triển theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ, tăng dần số tàu công suất lớn. Cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần số lượng tàu khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng. Đến năm 2025, tỉnh ta duy trì sản lượng khai thác thủy sản ở mức 260 nghìn tấn/năm.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, để giảm dần các nghề có tác động xấu đến môi trường và nguồn lợi thủy sản, chúng tôi đã thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản theo đúng hạn ngạch được giao và tiếp tục tạm dừng phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề lặn. Đồng thời, cắt giảm số lượng tàu cá đảm bảo việc khai thác phù hợp với trữ lượng của nguồn lợi trên vùng biển.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202409/huong-den-khai-thac-thuy-san-hieu-qua-va-ben-vung-cc714a7/