Hướng đến một đô thị hiện đại, văn minh
Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình trọng điểm.
Mỗi dự án, công trình là biểu tượng phát triển của đô thị hiện đại, năng động, khẳng định thành quả đổi mới, phát triển của thành phố.
Các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được TP Hồ Chí Minh triển khai trong hai năm qua. Để bảo đảm tiến độ, thành phố đã giao các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn tất các thủ tục; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; bảo đảm giải ngân vốn; thi công "3 ca, 4 kíp" để hoàn thành tiến độ dự án. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã thông xe 10 công trình, dự án giao thông gồm: Cầu Nam Lý, cầu Ông Bồn, cầu Rạch Đĩa, cầu Phước Long, hầm chui HC2, hầm chui HC1 (nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ), đường Tên Lửa, đường song hành Quốc lộ 50 (giai đoạn 1), đường Tân Kỳ-Tân Quý (quận Bình Tân) và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2)... Bên cạnh các công trình, dự án sắp khánh thành, TP Hồ Chí Minh cũng đang chuẩn bị khởi công hàng loạt dự án quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông và chỉnh trang đô thị. Trong đó, dự án nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 3 là một trong những công trình được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực giao thông khu vực cảng Cát Lái, nơi có lưu lượng hàng hóa và phương tiện vận chuyển rất lớn; góp phần thúc đẩy hoạt động logistics tại TP Hồ Chí Minh.

Cầu Nhơn Trạch nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) thuộc dự án đường Vành đai 3 sẽ thông xe kỹ thuật dịp 30-4.
Hàng loạt công trình giao thông quan trọng đang được tăng tốc để kịp khánh thành trước ngày 30-4-2025. Đây không chỉ là các dự án có ý nghĩa kỷ niệm mà còn là những công trình mang ý nghĩa chiến lược, đóng vai trò then chốt trong cải thiện hạ tầng đô thị và tạo động lực cho nền kinh tế. Thành phố dồn sức vào mục tiêu trước ngày 30-4-2025, nhiều công trình lớn sẽ được đưa vào khai thác, trong đó có cầu nhánh A, nhánh D, nhánh E thuộc nút giao HLD. Đây là những hạng mục quan trọng trong dự án đường Vành đai 3, giúp kết nối với cầu Nhơn Trạch và đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Khi hoàn thành, các cầu nhánh này sẽ giảm áp lực giao thông, đồng thời nâng cao khả năng kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Một công trình quan trọng khác là hầm HC1 thuộc nút giao thông An Phú. Đây cũng là một trong những dự án được mong đợi nhất nhằm giảm tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ phía Đông thành phố. Khi đi vào hoạt động, hầm HC1 sẽ giúp xe, máy di chuyển thuận lợi hơn từ đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây vào trung tâm thành phố mà không gây quá tải cho các tuyến đường hiện hữu.
Tuyến đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) cũng đang trong giai đoạn nước rút với tổng chiều dài gần 2,5km, mở rộng lên 32m với 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư dự án lên tới khoảng 2.300 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp giảm ùn tắc, tăng cường kết nối giữa Gò Vấp với trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Dự án cải tạo kênh Hàng Bàng (quận 6) giai đoạn 2 dài khoảng 500m, từ đường Mai Xuân Thưởng đến đường Ngô Nhân Tịnh với chi phí xây lắp khoảng 67 tỷ đồng; bồi thường giải phóng mặt bằng 1.182 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 5-2025. Công trình này không chỉ cải thiện hệ thống thoát nước, giảm ngập úng mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng môi trường sống trong khu vực.
Dự án đường Vành đai 2, đặc biệt là đoạn 1 và giai đoạn 2, cũng đang được thành phố tập trung triển khai. Khi hoàn thành, tuyến đường Vành đai 2 sẽ kết nối tốt hơn giữa các quận ngoại thành với trung tâm thành phố, giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường hiện hữu. Một trong những dự án mang tính biểu tượng của TP Hồ Chí Minh là cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, kết nối Công viên Bến Bạch Đằng tại quận 1 với Công viên bờ sông khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP Thủ Đức, khởi công vào cuối tháng 3-2025, khi hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc độc đáo, góp phần nâng cao giá trị cảnh quan đô thị, tạo ra một không gian công cộng hấp dẫn dành cho người dân và du khách.
Những dự án giao thông và chỉnh trang đô thị không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sống mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Hồ Chí Minh. Theo đồng chí Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông là một chiến lược dài hạn, giúp thành phố phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Vì thế, giao thông là lĩnh vực được lãnh đạo thành phố ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư công. “Lộ thông tài thông, đại lộ đại phú”, giao thông có vai trò rất quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế. Toàn hệ thống chính trị phải tập trung cho giao thông, và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung chỉ đạo việc này; cơ quan ban ngành có liên quan phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để có chỉ đạo, hỗ trợ”.
Trước thách thức TP Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều điểm nghẽn trong quá trình phát triển, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và sự phát triển của nền kinh tế, UBND TP Hồ Chí Minh xác định tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. TP Hồ Chí Minh quyết tâm tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào vận hành càng sớm càng tốt. Việc nỗ lực hoàn thành, khởi công các dự án công trình hạ tầng trọng điểm trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sự tri ân đối với lịch sử mà còn là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố mang tên Bác Hồ, hướng đến một đô thị hiện đại, văn minh, có chất lượng sống tốt.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/huong-den-mot-do-thi-hien-dai-van-minh-821926