Hướng đến mục tiêu giao thông xanh
Cùng lúc đưa vào khai thác tàu điện trên cao và xe buýt điện phục vụ vận tải hành khách công cộng, Hà Nội đang từng bước hướng đến xây dựng giao thông xanh. Tuy nhiên, thành phố cần có lộ trình cụ thể và tập trung đầu tư hơn nữa để mục tiêu này sớm trở thành hiện thực.
Đầu tháng 12/2021, ba tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân và ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, chỉ sau hơn hai tháng đưa vào khai thác, tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông đã đạt mốc một triệu lượt khách đi tàu vào giữa tháng 1/2022.
Những kết quả khả quan
Trong sáu ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 31/1 đến 5/2), tàu điện cũng đã chở 154.427 lượt hành khách, trong đó có ngày kỷ lục đạt hơn 42 nghìn lượt khách, là con số thành công ngoài mong đợi. Trong năm 2022, một dự án quan trọng khác là đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội cũng sẽ được đưa vào khai thác đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy), tiếp tục mở ra tín hiệu khả quan về vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô.
Việc liên tiếp cho ra mắt, khai thác các phương tiện vận tải hành khách công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Hà Nội hướng tới giao thông xanh. Trước đó, từ năm 2009, Công ty cổ phần Đồng Xuân triển khai nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe ô-tô điện) phục vụ khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cho đến nay, dự án này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân và khách du lịch, tạo thêm một loại hình du lịch mang màu sắc riêng của Hà Nội, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế các loại khí thải độc hại ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô-tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió... chính là tham gia giao thông xanh.
Ở Hà Nội, khi tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp do lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh, gây ra tình trạng quá tải, đe dọa môi trường, thì giao thông xanh lại vẫn còn khá mới mẻ. Phần lớn người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện vận tải công cộng, mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào xe cá nhân, nhất là xe máy chạy bằng xăng. Chuyên gia giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định, thành phố có khoảng 10 triệu người dân mà có tới gần bảy triệu xe cơ giới, trong đó 90% là xe máy, thì đương nhiên sẽ khó lòng hạn chế được ùn tắc và ô nhiễm không khí.
Việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai. “Nếu không muốn có một thành phố mịt mù khói bụi độc hại, chúng ta phải nhanh chóng đưa giao thông xanh vào đời sống thực tế”, ông Tân nhấn mạnh.
Đầu tư “lớn”, không quên “nhỏ”
Bên cạnh các giải pháp phát triển vận tải hành khách cỡ lớn “xanh” và từng bước hạn chế xe máy, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần sớm có kế hoạch hình thành hệ thống xe đạp cho thuê với giá rẻ để phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối các khu vực đô thị với hệ thống vận tải công cộng. Thực tế cho thấy, bất cứ khu vực nào cũng có thể thiết lập các trạm xe đạp công cộng, nhất là tại những nhà ga tàu điện, bến xe buýt, khu trung tâm sầm uất, nơi gần đường giao thông chính. Với sự phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ thông tin như hiện nay, không khó để quản lý những chiếc xe đạp, tránh mất mát, hư hại. Mô hình trạm xe đạp công cộng vừa dễ thực hiện với chi phí rẻ, vừa mang lại hiệu quả rất lớn cho giao thông đô thị, môi trường thành phố.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn tại Việt Nam là một hành trình dài, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình dài hơi. Phát triển đô thị xanh, không gian xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. “Chúng ta cần phải tích cực giáo dục và truyền thông, để người dân nhận thức được lợi ích của giao thông xanh, đồng thời hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là những phương tiện cũ nát, quá niên hạn sử dụng...”, bà Bùi Thị An cho biết.
Đồng quan điểm này, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cũng phân tích thêm những khó khăn đang gặp phải, như còn vướng về nguồn lực tài chính, công nghệ chưa hoàn toàn được bảo đảm, nhất là vướng về thể chế.
Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu giao thông xanh cần phải có lộ trình phát triển, nếu không có lộ trình thì không thể thực hiện được những bước tiếp theo. Trước mắt, thành phố nên chú trọng xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích người dân đi bộ hoặc sử dụng xe đạp, xe điện. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt điện.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/huong-den-muc-tieu-giao-thong-xanh-685657/