Hướng đến nền công nghiệp chế biến hiện đại

Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt 'Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn'. Đây là cơ sở quan trọng để loại bỏ tình trạng giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, đưa hoạt động này vào nền nếp; đồng thời, quản lý, kiểm soát sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trước khi đưa ra thị trường... Tuy nhiên, Hà Nội còn nhiều việc phải làm để lấp đầy các 'khoảng trống' về quy hoạch, cơ chế, chính sách..., hướng tới phát triển một nền công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại.

Hà Nội đang tích cực triển khai mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Ảnh: Linh Ngọc

Từ bất cập trong hoạt động giết mổ...

Hiện nay, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ gia súc, gia cầm tại các chợ dân sinh, trong khu dân cư trên địa bàn Hà Nội vẫn rất khó kiểm soát. Ông Nguyễn Văn Võ, kinh doanh gia cầm ở chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết: "Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán 15-30 con gia cầm, do nhu cầu của khách hàng nên tôi vẫn thường giết mổ trực tiếp tại chợ".

Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phúc Thọ Nguyễn Hùng Cường, trước đây, cứ vào 2-5h sáng, hơn 10 lò giết mổ lợn chui ở xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ) lại hoạt động tấp nập. Dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 3-4 cơ sở hoạt động trong khu dân cư.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànôịmới, dù tại chợ hay ở khu dân cư thì các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đều không bảo đảm điều kiện theo quy định. Việc giết mổ thực hiện ngay trên nền nhà, thậm chí bên miệng cống, nước thải đổ chung với hệ thống nước thải sinh hoạt, mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường...

Trong khi các hộ giết mổ nhỏ lẻ tất bật hoạt động ngày đêm thì các lò giết mổ công nghiệp, được đầu tư hàng chục tỷ đồng, với dây chuyền hiện đại chỉ hoạt động được 30-50% công suất, thậm chí phải "đắp chiếu" như cơ sở giết mổ của Công ty cổ phần Thực phẩm Foodex (huyện Đan Phượng)...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh cho biết, năm 2009 công ty xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại với công suất 600-1.000 con lợn/ca. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thịt mát và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại, nên đến nay nhà máy mới hoạt động được hơn 30% công suất.

Nói về những bất cập trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán (chiếm 60%) và thiếu các cơ sở giết mổ tập trung là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giết mổ nhỏ lẻ thiếu kiểm soát. Thêm vào đó là sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong kiểm tra, xử lý vi phạm về giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật. Các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, thiếu sự hỗ trợ của khâu chế biến và chi phí giết mổ cao nên khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, hiệu quả...

... đến thực hiện quy hoạch mạng lưới tập trung

Dây chuyền giết mổ công nghiệp của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai). Ảnh: Linh Ngọc

Để giải quyết những tồn tại nói trên, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, thành phố sẽ có 8 cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp, 8 cơ sở giết mổ tập trung, 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ. Đây là căn cứ để các địa phương đẩy nhanh tiến độ hình thành các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tạo điều kiện để các cơ sở phát triển ổn định và sẽ là cơ sở để lấp đầy các khoảng trống tồn tại bấy lâu...

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để quy hoạch sớm thành hiện thực, các huyện cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Mặt khác, thời gian tới, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm; quản lý nguồn gốc sản phẩm bằng hệ thống thông tin điện tử..., phấn đấu đến cuối năm 2020, 80% sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ được kiểm soát.

Đồng thuận với việc triển khai mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung thông tin: Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề vào khu giết mổ tập trung và kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.

Vui mừng trước việc thành phố phê duyệt mạng lưới giết mổ tập trung, ông Đào Quang Vinh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh bày tỏ mong muốn các sở, ngành tham mưu cho thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi để các cơ sở giết mổ tập trung thu mua nguyên liệu. Đồng thời, chính quyền địa phương cần quyết liệt xử lý các điểm giết mổ nhỏ lẻ... Làm được như vậy chắc chắn các cơ sở giết mổ công nghiệp sẽ phát triển và hoạt động hiệu quả.

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, việc hình thành các cơ sở giết mổ tập trung là yêu cầu tất yếu. Chỉ khi có sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp thì việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại Hà Nội mới chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và hướng tới phát triển một nền công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/959413/huong-den-nen-cong-nghiep-che-bien-hien-dai