Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại (kỳ 3)

Trên cơ sở mục tiêu và định hướng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiệm vụ và giải pháp của ngành Nông nghiệp tỉnh đặt ra trong giai đoạn tới là tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và cải thiện đời sống của nông dân. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

TIN LIÊN QUAN

Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại (kỳ 1)
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại (kỳ 2)

(Tiếp theo và hết)

Trên cơ sở mục tiêu và định hướng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiệm vụ và giải pháp của ngành Nông nghiệp tỉnh đặt ra trong giai đoạn tới là tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và cải thiện đời sống của nông dân. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ thành quả của tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân Trực Ninh đã cơ giới hóa 100% khâu thu hoạch lúa.

Bài 3: Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ

Trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Quan điểm chỉ đạo chung là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tập trung nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để lựa chọn phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương. Điều đó đòi hỏi ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố phải tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả đã được kiểm chứng; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã làm “hạt nhân”; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông sản, đặc sản; phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP để xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu có lợi thế của địa phương. Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trang trại nuôi gà đẻ đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Mai Văn Sơn, xã Hải Thanh (Hải Hậu).

Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt bình quân khoảng 2-2,5%/năm. Trong đó, trồng trọt 0,5-1%/năm; chăn nuôi 3-3,5%/năm; thủy sản 3,5-4%/năm. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác đạt trên 130 triệu đồng/ha (theo giá hiện hành). Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm. Toàn tỉnh có ít nhất 300 sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 60%. Có trên 75% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh, gồm: Lúa (lúa chất lượng cao, lúa đặc sản); rau, củ (theo hướng hữu cơ, VietGap…); hoa, cây cảnh; lợn (lợn thịt và lợn sữa), gà (thịt và trứng); tôm nước lợ (tôm thẻ chân trắng, tôm sú); ngao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi liên kết bền vững. Áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững. Phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo đảm an ninh lương thực. Tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và xây dựng NTM. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Cụ thể, tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) về chăm sóc và bảo vệ cây trồng; hỗ trợ, khuyến khích mở rộng cơ giới hóa trong sản xuất, tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật. Khuyến khích, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hình thành nhiều cánh đồng lớn hoặc các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm thu hút doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Quản lý và sử dụng hiệu quả đất trồng lúa; rà soát diện tích đất lúa bị bỏ hoang, lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Dự kiến quy mô chuyển đổi đến năm 2025 là 8.200ha (tính theo diện tích canh tác). Khuyến khích phát triển nhanh cơ giới hóa sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nguồn nước tưới hợp lý, thâm canh cân đối, phòng trừ dịch hại theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch... Nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật ở địa phương. Hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tới các địa phương.

Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Về cơ chế, chính sách, Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu ban hành bổ sung một số chính sách đặc thù của tỉnh để tạo động lực thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp như: chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân thuê gom, tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ổn định lâu dài; chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản như sản xuất lúa Nhật, sản xuất gạo sạch, rau, củ, quả sạch, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tạo cơ sở gia tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202204/huong-den-nen-nong-nghiep-huu-co-hien-dai-ky-3-2550093/