Hướng đến nền nông nghiệp Lai Châu phát triển theo hướng hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, 3 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nông nghiệp, nông thôn Lai Châu đã thực sự khởi sắc.
10 năm - những bước chuyển mạnh mẽ
10 năm (2008 - 2017) đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp Lai Châu đã có những bước chuyển hết sức mạnh mẽ, tích cực. Với sự tham mưu tích cực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), ngành nông nghiệp Lai Châu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,85%/năm. Năm 2018 vừa qua, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp của Lai Châu đạt từ 5,4 - 5,6%, bình quân lương thực trên đầu người đạt 479,7 kg/người/năm.
Ông Hà Văn Um- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Châu.
Đặc biệt, với sự tham mưu, vào cuộc và đồng hành quyết liệt của Sở NN & PTNT Lai Châu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; cơ cấu cây trồng được chuyển đổi, mở rộng sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất; tập trung phát triển cây công nghiệp có lợi thế, rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, đưa giống mới vào sản xuất, từng bước hình thành liên kết vùng nguyên liệu, liên kết giữa người dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.... Nhiều năm qua tại Lai Châu đã hình thành, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Lúa, ngô, chè, cao su, mắc ca, cây ăn quả với diện tích sản xuất không ngừng tăng qua các năm. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được xác nhận thương hiệu hàng hóa như: Gạo Tẻ râu ở Phong Thổ; Chè Tam Đường, Chè Tân Uyên góp phân nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.
Đồng chí Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao Bằng Công nhận đạt chuẩn NTM của UBND tỉnh cho xã Phúc Than.
Công tác chăn nuôi đã có sự phát triển tích cực, tính đến năm 2018 vừa qua, tổng đàn gia súc đạt 385.690 con, tăng 17.475 con so với năm 2017 (đạt 100% KH). Diện tích rừng hiện có tiếp tục được bảo vệ tốt, tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên đạt 49,11% với trên 455 nghìn ha, diện tích rừng trồng mới 1.981ha...Kinh tế trang trại có sự chuyển biến tích cực, toàn tỉnh có khoảng 1.321 trang trại.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới - Điểm sáng ấn tượng
Theo ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Lai Châu, từ nhiều năm qua, Lai Châu xác định phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân. Sự đồng thuận, chung sức giữa Nhà nước và nhân dân tiếp tục tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy và hành động trong tổ chức sản xuất, xây dựng NTM. Sở NN & PTNT Lai Châu đã tham mưu cho tỉnh vận dụng linh hoạt các chính sách Nhà nước như chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ y tế, đào tạo nghề; Vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là giúp họ thấy được vai trò “chủ thể” của mình trong xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM để chủ động và tự giác tham gia…
Người dân bản Háng Là, xã Tả Lèng làm đường giao thông nội đồng.
Tất cả đã giúp Lai Châu có được những thành quả đáng tự hào trong chương trình xây dựng NTM. Đến nay theo bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, bình quân đạt 12,78 tiêu chí/xã, toàn tỉnh Lai Châu đến năm 2018 vừa qua có 29 xã đạt chuẩn NTM. Đáng chú ý là duy trì tốt và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn tại các xã đã hoàn thành NTM, giữ vững và tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí cơ bản. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, cơ bản đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt cho phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự xã hội đảm bảo, các tệ nạn xã hội được kiềm chế; vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực nông thôn được tăng cường; Nhận thức trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của người dân ngày càng cao; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được nâng lên….
Người dân Phúc Than, một trong những xã đạt 16/19 tiêu chí được hỗ trợ cây giống miễn phí để trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc. Ảnh: Quý Trung.
Đẩy nhanh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại
Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho thấy ngành nông nghiệp Lai Châu vẫn còn một số hạn chế như: Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao; việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp… Năm 2018 vừa qua cũng là tròn 3 năm Lai Châu triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án còn bộc lộ một số tồn tại như: Việc thực hiện tái cơ cấu chủ yếu được triển khai trên lĩnh vực trồng trọt, đối với lĩnh vực chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp tốc độ tái cơ cấu diễn ra còn chậm.
Từ thực tế ấy, Sở NN&PTNT Lai Châu đã tham mưu cho UNBD tỉnh, theo đó, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm phát huy lợi thế tự nhiên để đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; phát huy lợi thế tự nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp có giá trị; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân; Chú trọng đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp; Từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao…
Người dân xã Ma Ly Pho chung tay làm đường giao thông nông thôn.
Bên cạnh đó, Lai Châu cũng tiếp tục xác định rõ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM; gắn xây dựng NTM với quy hoạch nông nghiệp, đô thị; Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn; thực hiện đồng bộ các giải pháp cho các xã chưa đạt chuẩn; Huy động và tập trung các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt như: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa...; gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch… phấn đấu đến năm 2020 đạt 40 – 50% xã đạt chuẩn NTM.
Sở NN&PTNT Lai Châu nói riêng, ngành NN&PTNT Lai Châu nói chung đang quyết tâm hiện thực hóa nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu gần nhất là đến năm 2025: tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 5 - 6%/năm; 50 – 55% số xã đạt chuẩn NTM, 03 huyện (Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên) đạt chuẩn NTM; 95% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; Tỷ lệ bác sỹ trên 1 vạn dân đạt 13 bác sỹ; trên 45% trường học đạt chuẩn Quốc gia; 100% số xã có đường dải nhựa, bê tông; Thu nhập bình quân của cư dân nông thôn đạt trên 25 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm…