Hướng đến nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh
Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Quảng Ninh được xác định là một hành trình chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc. Bằng sự sáng tạo, tư duy đổi mới, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân, hành trình xây dựng NTM đang ngày càng bền vững, toàn diện và có chiều sâu.
Vượt khó nâng cao các tiêu chí
Khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, Quảng Ninh có tới 53 xã khó khăn, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn. Số xã đạt dưới 50% bộ tiêu chí xây dựng NTM là 58 xã; nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ...
Trước thực trạng trên, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 27-10-2010) về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Đây cũng là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của nhiệm kỳ 2010-2015. Nghị quyết đã thể hiện ý chí, khát vọng của Quảng Ninh là thay đổi bộ mặt nông thôn; xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Nhà nước chỉ làm vai trò hỗ trợ, chủ thể chính xây dựng NTM là người dân.
Theo đó, chương trình xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, mọi việc phải nhất quán quan điểm dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ. Từ đó, tỉnh tập trung, ưu tiên vốn ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng cho những địa phương thực hiện tốt các tiêu chí không cần đầu tư và địa phương về đích sớm.
Không giống các tỉnh, thành phố trên cả nước, Quảng Ninh lựa chọn triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, trao cơ hội về đích NTM cho các xã, tạo động lực thi đua ở tất cả địa phương trong tỉnh. Việc hoàn thành các tiêu chí cũng không cứng nhắc theo quy chuẩn của Trung ương, mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương.
Ở giai đoạn khởi đầu (2010-2015) tỉnh định hướng xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính xây dựng NTM là người dân, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng yếu, tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí.
Giai đoạn 2016-2020 tập trung xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến, tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, đầu tư của doanh nghiệp là động lực. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Bên cạnh đó, trong từng chặng đường phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng về an sinh xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, các đối tượng chính sách, yếu thế. Nổi bật là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17-5-2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo thành động lực mạnh mẽ để các địa bàn khó khăn bứt phá, vươn lên. Và tỉnh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm.
Quảng Ninh cũng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, triển khai thành công chương trình OCOP góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp, sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh.
Hành trình không có điểm dừng
Đầu năm 2024, Đầm Hà là địa phương cấp huyện trên cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM. Toàn huyện đã không còn hộ nghèo, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Khởi đầu từ mô hình nuôi ngan sao, anh Đinh Văn Thắng, Giám đốc HTX Thắng Huệ, ở thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà) hiện đã mở rộng sang dịch vụ ấp trứng thuê cho bà con, dịch vụ giết mổ và cung ứng giống gia cầm. Anh Thắng cho biết: HTX đã liên kết với rất nhiều hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ ngan sao. Không những giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, chúng tôi đã cùng xây dựng nên thương hiệu ngan sao của huyện, đưa sản phẩm này vào danh mục sản phẩm OCOP.
Theo quy hoạch chung phát triển đến năm 2025, huyện Đầm Hà phấn đấu trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Không ngừng củng cố hạ tầng cơ sở, lấy kinh tế làm “đòn bẩy” để sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục cùng đồng hành và phát triển là cách làm của nhiều huyện miền núi của Quảng Ninh. Từ xây dựng NTM, người dân đã biết vươn lên làm giàu chính đáng; bằng tư duy mới, kỹ thuật công nghệ mới, kế thừa và phát huy thế mạnh các sản phẩm truyền thống ở địa phương để nâng tầm giá trị nông sản.
Đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đã hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng NTM ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã. Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025.
Xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng, Quảng Ninh tiếp tục đưa chương trình NTM vào chiều sâu, trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh.