Hướng đến phát triển thương mại bền vững

ĐBP - Nhằm kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương, tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp kết nối giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) với các địa phương và hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh.

Khách tham quan, mua sắm tại gian hàng trưng bày của tỉnh Điện Biên tại Hội chợ các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong cả nước tại tỉnh Quảng Ninh.

Cơ hội giao thương

Sau Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại được tổ chức tại Điện Biên vào cuối năm 2022, các DN, HTX trên địa bàn tỉnh không chỉ được kết nối giao thương với khu vực Tây Bắc mà cả những khu vực khác trong nước và các tỉnh Bắc Lào. Đây là hội nghị được Sở Công Thương đánh giá nổi bật, hiệu quả nhất trong thời gian gần đây, tạo nền tảng cho việc phối hợp thường xuyên, liên vùng, liên địa phương trong hoạt động xúc tiến thương mại. Hiệu quả rõ nét nhất là ngay tại Hội nghị đã có 6 cặp biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các nhà cung cấp và DN xuất khẩu trong nước; giữa Hiệp hội DN, DN trong nước với Hiệp hội DN, DN khu vực Bắc Lào. Đây là kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc kết nối, cung ứng tiêu thụ ổn định sản phẩm khu vực Tây Bắc tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đánh giá về 3 mặt: Sản phẩm, thị trường, khả năng cạnh tranh của các đơn vị tham gia, ông Trịnh Huy Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Mặt hàng của tỉnh Điện Biên tập trung vào sản phẩm nông - lâm nghiệp có thế mạnh. Các sản phẩm đa số đã được công nhận sản phẩm OCOP, VietGAP, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, vệ sinh an toàn thực phẩm, có mẫu mã đẹp, tiềm năng xuất khẩu, được các doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá cao. Sản phẩm của tỉnh được đông đảo người dân, du khách quan tâm và mua sắm, có khả năng tiêu thụ tốt; được các DN xuất khẩu, các DN Lào quan tâm tìm hiểu.

Tại Hội chợ các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2023 vừa được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Điện Biên đã đưa 20 sản phẩm OCOP tiêu biểu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống trưng bày, giới thiệu. Gian hàng của Điện Biên thu hút đông đảo khách tham quan mua sắm, tìm hiểu các sản phẩm OCOP và tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Trong đó, nhiều sản phẩm có thế mạnh, đặc sản đã có mặt tại các thị trường lớn và trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Hội chợ đã mở ra cơ hội tìm kiếm khách hàng, ký kết các hợp đồng kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất. Đồng thời đây cũng là cơ hội khảo sát nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng đối với các sản phẩm để từ đó tiến hành định hướng sản xuất của DN trong tỉnh.

Phát triển thương mạibền vững

Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay hầu hết các DN, cơ sở sản xuất, HTX của tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp khó khăn trong phát triển thị trường. Khâu sơ chế, bảo quản nông sản trước chế biến nhiều bất cập, sản lượng không ổn định dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm của DN còn khó khăn. Trong khi đó, một số DN chưa thực sự nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nên chưa chú trọng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất và kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn này, hướng tới nền thương mại bền vững, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, HTX tham gia quảng bá, tìm hiểu thị trường, kết nối giao thương với các tỉnh bạn. Từ hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, nhiều chương trình ký kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện, giúp DN từng bước giải quyết khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và quảng bá thương hiệu; đồng thời người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Cùng với đó, hàng năm Sở còn đăng tải trên website thông tin cụ thể về các hội chợ để DN đăng ký tham gia; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại với sự tham gia của các DN tìm hiểu thị trường cũng như tìm cơ hội hợp tác.

Từ đầu năm đến nay, cùng với các hoạt động kết nối giao thương, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh xây dựng dự thảo Đề án “Tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đi quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh tại Hội nghị kết nối cung - cầu thành phố Hồ Chí Minh 2023”. Đồng thời hỗ trợ 2 HTX của tỉnh tham gia Hội chợ hàng tiêu dùng Hà Nội và Hội chợ hàng Việt - Đặc sản vùng miền - Sản phẩm OCOP tại thành phố Hải Phòng. Hỗ trợ 1 HTX đăng ký tham dự Hội nghị định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA”. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tỉnh ta đã hỗ trợ DN một cách hiệu quả hơn về việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa góp mặt tại các hội nghị, hội chợ kết nối giao thương. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các DN, HTX tham gia 4 Hội chợ trong nước tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Lào Cai để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh đó là xây dựng kế hoạch, tổ chức tham gia Hội chợ Công Thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ 2023 (dự kiến tổ chức trong tháng 4). Hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh tham gia kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố là là cơ hội để các DN đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đến các thị trường, tạo chuỗi cung ứng khép kín, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/204504/huong-den-phat-trien-thuong-mai-ben-vung