Hướng đến sự phát triển bền vững về năng lượng tái tạo

Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại đa bên để đưa ra các đề xuất giải pháp đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và mang lại lợi ích lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Năng lượng tái tạo ở Việt Nam, hướng đến sự phát triển bền vững. Ảnh: Nam Lê

Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 sẽ diễn ra từ ngày 17 - 20/9 tại Hà Nội và An Giang do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) và nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) tổ chức.

Năng lượng tái tạo trở thành nguồn cung cấp điện sạch được quan tâm đầu tư lớn nhất và trở thành mũi nhọn của chuyển dịch năng lượng toàn cầu trong vài năm gần đây.

Trong vòng một năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành.

Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch điện VII của Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2020, tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp bằng năng lượng tái tạo là 7% và tăng lên 10% vào năm 2030.

Hiện nay, điện mặt trời và điện gió là hai nguồn năng lượng tái tạo chính được đưa vào vận hành thương mại với công suất đạt hơn 5.100MW (điện mặt trời: 4.543,8MW; điện gió: 626,8MW), chiếm hơn 9% tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Việt Nam với nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, vì vậy, luôn cần ưu tiên phát huy tối đa lợi thế vì lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường nhất là khả năng tạo nguồn thu nhập mới cho người dân ở các địa phương có ưu thế.

Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính…

Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, rất cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên từ các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương đến các tổ chức phát triển hay khối tài chính, ngân hàng.

Trong phiên làm việc buổi sáng tại Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 tập trung vào việc Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế.

Trong nội dung này, là sự đóng góp ý tưởng, giải pháp cho những định hướng phát triển năng lượng sắp tới đây như Quy hoạch điện VIII hay các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường.

Quá trình chuyển dịch không thể không nhắc đến tầm quan trọng của việc làm. Quyết định tỷ trọng năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VII hiệu chỉnh từ 6% lên 10,7% đã mở đường cho 315.000 việc làm tạo ra mỗi năm từ ngành điện, trong đó số lượng việc làm mới tạo ra từ năng lượng tái tạo cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch.

Ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên Giáo Trung Ương) kì vọng: “Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện. Điều quan trọng của chúng ta bây giờ là từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo để việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống – xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Theo bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – Cơ quan điều phối VSEA cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch.

Ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.

Do đó để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, chúng ta cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm giữa các quốc gia, địa phương và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, mở đường đưa năng lượng sạch tới từng ngôi nhà Việt.

Sau khi diễn ra Tuần lễ năng lượng tái tại tại Hà Nội, sự kiện sẽ diễn ra tại An Giang - tỉnh đi đầu trong ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo được tổ chức vào ngày 20/9 tại thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang.

Lê Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/huong-den-su-phat-trien-ben-vung-ve-nang-luong-tai-tao-post68041.html