Hướng đến xã hội học tập

ĐBP - Nhằm góp phần khơi dậy và phát huy tinh thần hiếu học, hướng đến xây dựng xã hội học tập, những năm qua, các cấp hội khuyến học tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua nhiều hoạt động, đã tạo sức lan tỏa trong nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn tỉnh.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) đọc sách trong giờ ra chơi (ảnh chụp trước tháng 4/2021).

Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” là nội dung lớn nhằm thực hiện “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”. Triển khai thực hiện Đề án, năm 2014, huyện Điện Biên được UBND tỉnh chọn triển khai mô hình thí điểm “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập”. Huyện Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền; chọn 6 thôn, bản, 10 cộng đồng, 30 gia đình làm điểm. Năm 2015, kết thúc thí điểm, 100% gia đình, dòng họ, thôn bản thí điểm đều đạt gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Từ đó đến nay, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng ở huyện Điện Biên đã thu hút nhiều gia đình, dòng họ tham gia. Toàn huyện hiện có gần 250 dòng họ, đa số các dòng họ đã làm tốt việc vận động các hộ gia đình họ tham gia xây dựng gia đình học tập, xây dựng quỹ khuyến học dòng họ để khen thưởng cho con cháu đạt thành tích trong học tập và đỗ đạt. Tiêu biểu như dòng họ Nguyễn ở xã Thanh Xương; dòng họ Bùi ở xã Noong Luống; dòng họ Vàng ở xã Mường Nhà…

Để công tác khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội, cùng với đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, việc phát huy hoạt động của các Trung tâm học tập (TTHT) cộng đồng cũng là một trong những nội dung quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác khuyến học, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục… Tại huyện Mường Ảng, từ năm 2015 đến nay, các TTHT cộng đồng ở huyện đã phục vụ trên 350 lớp tập huấn nghiệp vụ các chương trình tăng thu nhập, bảo vệ môi trường cho hơn 20.000 lượt người tham gia; tuyên truyền, tập huấn công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, phổ biến pháp luật và chăm sóc sức khỏe cho gần 50.000 lượt người; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, cây ăn quả cho hàng ngàn lượt người; công tác văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên với trên 45.000 lượt người tham gia. Ông Mai Trọng Thuyết, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng cho biết: Để phát huy vai trò của TTHT cộng đồng, hàng năm, UBND huyện đã quan tâm, phân bổ kinh phí cho trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn tổ chức hoạt động, mua sắm, bổ sung thiết bị làm việc. Đến nay, trong tổng số 10 TTHT cộng đồng xã, thị trấn, toàn huyện có 2 TTHT cộng đồng xếp loại tốt, 6 trung tâm xếp loại khá; các TTHT cộng đồng đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho nhân dân.

Là huyện vùng sâu, vùng xa, song thời gian qua, huyện Mường Nhé đã linh hoạt, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội khuyến học trong phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài; xây dựng “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”… Ông Phạm Thiết Chùy, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Với vai trò cơ quan thường trực Đề án Xây dựng xã hội học tập, đơn vị đã tích cực tham mưu UBND huyện chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục các cấp học; xóa mù chữ; khuyến học, khuyến tài, xây dựng các danh hiệu học tập. Đến nay, toàn huyện có trên 40% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; hơn 30% dòng họ được công nhân danh hiệu “Dòng họ học tập”; 30% các trường học đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.

Có thể nói, sau nhiều năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, đến nay, quy mô, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh được củng cố và mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn tỉnh có 343/487 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia (chiếm 70,4%); 129/129 xã, phường, thị trấn có TTHT cộng đồng. Đến hết năm 2020, 100% xã đạt chuẩn, duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 99,4% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Tổng số lao động tham gia học nghề giai đoạn 2012 - 2020 là 72.570 người, bình quân 8.063 người/năm. Trong đó, lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 là 54.332 người.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/188716/huong-den-xa-hoi-hoc-tap