Hướng đến xã hội số, công dân số

Phong trào 'Bình dân học vụ số' được phát động nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chỉ sau thời gian ngắn Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tổ chức lễ phát động và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Ở tất cả tỉnh, thành phố, các đội hình “Bình dân học vụ số” đã được thành lập và vào cuộc với tinh thần “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”.

Tại Bình Phước, phong trào “Bình dân học vụ số” đã phát huy hiệu quả tích cực với 91 đội hình thanh niên tình nguyện được các cơ sở đoàn trong toàn tỉnh thành lập. Ngoài tập trung triển khai đợt cao điểm “90 ngày, đêm” hướng dẫn người dân tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VNeID, các đội hình còn tuyên truyền, hỗ trợ phổ cập kiến thức và kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin cho người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương.

Được các bạn trẻ tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, người dân đã thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; chủ động thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt và các ứng dụng số khác phục vụ sản xuất, kinh doanh… Các đối tượng là người lớn tuổi và lao động tự do cũng đã dần làm quen với việc sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thông tin và đăng ký các dịch vụ thiết yếu. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ được hướng dẫn cách tham gia và phát triển hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại số hóa. Đặc biệt, người dân còn được nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin, phòng tránh lừa đảo trực tuyến, nhận diện và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời không ngoài mục đích giúp người dân, nhất là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số. Việc phổ cập kỹ năng số không chỉ giúp người dân khai thác tốt lợi ích của công nghệ mà còn nâng cao hiệu suất lao động, thúc đẩy sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Với phương châm “Kiến thức là nền tảng, công nghệ là công cụ để tiến xa”, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà còn chú trọng nâng cao nhận thức, khuyến khích từng cá nhân tự học, chủ động tham gia vào không gian số, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Khi cả xã hội cùng vào cuộc, phong trào sẽ lan tỏa, giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, đồng thời hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số, tham gia xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171347/huong-den-xa-hoi-so-cong-dan-so