Người cao tuổi làm quen với trí tuệ nhân tạo
Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI đã phủ sóng mạnh mẽ trên toàn cầu, không chỉ cho người trẻ mà còn là công cụ dành cho tất cả mọi người, bất kể tuổi tác hay chuyên môn.
AI không phải là sân chơi riêng của thế hệ trẻ hay các chuyên gia công nghệ. Nó là một phần của cuộc sống hiện đại và mọi người đều có quyền được tiếp cận. Việc thúc đẩy giáo dục số và hỗ trợ kỹ thuật cho người lớn tuổi là một phần trong chiến lược phát triển xã hội toàn diện, để không bỏ ai lại phía sau trong xã hội số.
Khi có thông báo về lớp tập huấn AI cho cán bộ mặt trận cơ sở, ông Lê Tuấn Dũng là người đăng ký đầu tiên. Vốn chỉ quen với những ứng dụng sẵn có trong điện thoại, giờ đây ông được trợ giúp nhiều hơn nhờ AI.
Ông Lê Tuấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín chia sẻ: "Chuyển đổi số tốt thì công việc sẽ thuận lợi. Chuyển đổi số cũng góp phần đáng kể trong xây dựng chương trình, kế hoạch từ hội nghị đến công việc xây dựng hàng ngày".
Tại lớp học về trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số dành cho người cao tuổi ở quận Cầu Giấy, người lớn tuổi nhất lớp đã 80, người trẻ nhất cũng ngoài 65. Họ bắt đầu làm quen với ChatGPT, Gemini, VNeID hay QR Code...
Ông Dương Xuân Ngọc (quận Cầu Giấy) cho hay: "Nhu cầu của chúng tôi là được cập nhật những tri thức mới về trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong các ứng dụng ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm, thanh toán tiền thậm chí đóng thuế".
Theo thống kê, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tại Việt Nam hiện đạt 45%, người dân đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia bằng nền tảng VNeID với hơn 93 triệu lượt truy cập. Nền tảng “Bình dân học vụ số" vừa được Bộ Công an đưa vào vận hành thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ bảo đảm mọi người dân đều có điều kiện tiếp cận chương trình học tập trên nền tảng số.
Ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: "Ứng dụng tốt được khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sẽ giúp chúng ta giảm đi rất nhiều về mặt con người, nhân lực; ngay cả việc liên quan đến các quy trình xử lý công việc sẽ rút ngắn đi".
Thủ đô Hà Nội là địa phương tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số, với quyết tâm xây dựng "Chính quyền số - Chính quyền phục vụ". Để thực hiện mục tiêu đó, mỗi công dân Thủ đô sẽ phải là một công dân số, không phân biệt độ tuổi, giới tính.