Hướng đến xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em
Sáng 7-6, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề 'Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em'. Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Quang Nam và 200 trẻ em là đại diện của Hội đồng trẻ em các cấp, đại diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố.
Sáng 7-6, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Quang Nam và 200 trẻ em là đại diện của Hội đồng trẻ em các cấp, đại diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố.
Bảo vệ trẻ em bằng những hành động thiết thực
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, cùng với sự phát triển của thành phố, trong những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE) trên địa bàn thành phố luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, cộng đồng, trường học, gia đình đặc biệt quan tâm và thực hiện.
Thành phố ban hành nhiều chính sách đặc thù dành cho trẻ em trên các lĩnh vực trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội cho trẻ em,… góp phần đem lại một môi trường xã hội lành mạnh, bình đẳng, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Hiện nay, trước những vấn đề như bảo đảm an toàn cho trẻ trong thế giới công nghệ số, bảo vệ trẻ em không bị xâm hại, bạo lực, không để trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật… là những thách thức, trách nhiệm đặt ra rất lớn đối với thành phố, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, mỗi người chúng ta cần quan tâm hơn, hành động quyết liệt hơn và dành nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em.
Để đạt được các mục tiêu của Tháng hành động đã đề ra và hướng đến xây dựng một thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề nghị các sở, ngành, hội đoàn thể, các địa phương có các hoạt động thiết thực, hiệu quả; trong đó quan tâm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, tự bảo vệ, giảm thiểu nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo và phối hợp kịp thời trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, giải quyết hiệu quả các vấn đề trẻ em. Cùng đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích, đuối nước, tai nạn giao thông; xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Dịp này, thành phố cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục dành sự quan tâm, thực hiện nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của thành phố. “Bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm, rất mong các ngành, các cấp và toàn xã hội, hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động…”- Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh.
Tại lễ phát động, thành phố trao 100 suất học bổng (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập. Ngoài ra, Hội Từ thiện & Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới trao tặng 200 suất quà và ba lô cho tất cả trẻ em tham dự sự kiện; tổng kinh phí 270 triệu đồng.
Lắng nghe trẻ em nói
Ngay sau lễ phát động, HĐND –UBND thành phố tổ chức Chương trình “Đối thoại của lãnh đạo thành phố với đại diện trẻ em”. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng, Phó Bí thư Thành đoàn – Chủ tịch Hội Đồng đội thành phố Nguyễn Thị Anh Thảo đồng chủ trì đối thoại.
Diễn đàn là cơ hội để trẻ em trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình; tăng cường và nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền trẻ em; tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, phát triển toàn diện cho trẻ em; vận động xã hội, cộng đồng dành nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em.
Tại Chương trình đối thoại đã ghi nhận 24 ý kiến, nguyện vọng của các em xoay quanh các vấn đề: quan tâm đưa nội dung môn Lịch sử đến gần với học sinh thông qua các buổi trải nghiệm, tham quan thực tế; có hình thức truyền thông trực quan như phiên tòa giả định để tuyên truyền về pháp luật, giáo dục học sinh thiết thực hơn; quan tâm và bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục; hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn, đúng cách, bảo mật thông tin trên môi trường mạng; phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi; nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước trong học sinh; giao lưu, trải nghiệm, định hướng nghề cho học sinh THCS...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, những năm qua, thành phố luôn dành sự quan tâm chú trọng thực hiện các chính sách về an sinh xã hội cho trẻ em; tạo mọi điều kiện về mặt học tập, vui chơi giải trí nâng cao đời sống tinh thần cho trẻ em. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ trẻ em là đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dân tộc thiểu số,… Đồng thời bày tỏ vui mừng khi các em luôn nỗ lực học tập tốt, là con ngoan trò giỏi; nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng học tập tốt.
Cũng theo bà Anh Thi, các ý kiến của các em tại đối thoại gợi lên cho lãnh đạo thành phố, sở ngành địa phương nhiều trăn trở và cần có giải pháp, hành động cụ thể kịp thời vì trẻ em trong thời gian đến. Theo đó, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các cấp ngành tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về trẻ em.