Hướng đi bền vững cho nghề nuôi cá lồng

Với nhiều điều kiện thuận lợi từ tự nhiên, những năm gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển nuôi cá lồng trên các sông, ngòi, hồ, đầm, góp phần giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy lợi thế của hồ chứa nước, gia đình ông Phan Hữu Mai, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đầu tư nuôi cá lồng, cho hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy lợi thế của hồ chứa nước, gia đình ông Phan Hữu Mai, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đầu tư nuôi cá lồng, cho hiệu quả kinh tế cao.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 con sông lớn chảy qua, trong đó có sông Đà và sông Lô được đánh giá là có chất lượng nước tốt, phù hợp với việc phát triển cá lồng. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều sông nhỏ, ngòi lớn như: Ngòi Giành, ngòi Me và 36 hồ đập thủy lợi dung tích từ 0,5 triệu m3 nước trở lên, là “tiềm năng” lớn để phát triển thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng trong hồ chứa.

Từ những điều kiện thuận lợi, Chi cục Thủy sản đã hướng dẫn người nuôi xác định địa điểm, đối tượng, kích thước, mùa vụ và hình thức nuôi phù hợp với từng loại diện tích mặt nước để phát huy tối đa lợi thế. Đồng thời, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung; phát triển có kiểm soát tránh tình trạng tự phát, nuôi theo kinh nghiệm dẫn đến rủi ro cao, hiệu quả sản xuất thấp.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.440 lồng cá, trong đó chủ yếu là nuôi thâm canh trên sông. So với trước đây, lồng nuôi được thiết kế bằng sắt, vững chắc, có dây neo cẩn thận thay thế cho lồng tre, nứa và có thể kết nối với nhau thành các cụm lồng nối tiếp hoặc song song, thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý. Đối tượng nuôi trong lồng cũng đa dạng, gồm các loài có giá trị kinh tế cao như: Rô phi, diêu hồng, chép, trắm cỏ, trắm đen, nheo Mỹ, chiên, ngạnh... Năng suất nuôi lồng thâm canh bình quân đạt 3 tấn/lồng, cao hơn so với nuôi trong lồng truyền thống từ 8-10kg/m2.

Nhờ đầu tư cơ sở vật chất, vận dụng linh hoạt kinh nghiệm thực tế cùng sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, nghề nuôi cá lồng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế vùng nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, nghề nuôi cá lồng, đặc biệt là nuôi trên sông đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Biến đổi khí hậu gây mưa lũ cục bộ, mực nước sông xuống thấp, thay đổi dòng chảy... ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tính bền vững của nghề. Ông Vũ Văn Trung, ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng chia sẻ: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Đà luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cố gắng giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Thời điểm này, với gần 30 lồng nuôi, gia đình tôi bắt đầu xuất bán một số loại cá nuôi gối vụ đã đạt tiêu chuẩn về kích thước và trọng lượng. Đối với các loại cá kích thước nhỏ, cá mới xuống giống, chúng tôi gia cố lồng, san thưa số lượng để hạn chế tình trạng thiếu ô-xy”.

Cùng với sự chủ động của người nuôi, Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo người nuôi đẩy mạnh chuyển dịch nuôi cá lồng thâm canh trên sông vào trong hồ chứa để hạn chế ảnh hưởng của mưa lũ cục bộ, thay đổi dòng chảy, đồng thời có thể kiểm soát được chất lượng nguồn nước hồ, đập, hạn chế dịch bệnh xảy ra; chi phí làm lồng nuôi trong hồ chứa cũng thấp hơn so với nuôi trên sông.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin: Để đạt được mục tiêu tổng số lồng nuôi thủy sản toàn tỉnh đến hết năm 2024 trên 1.600 lồng, trong đó chú trọng chuyển dịch lồng nuôi trên sông vào trong hồ chứa, thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tập huấn cho các hộ quy trình nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa theo quy trình an toàn, sử dụng các loại thức ăn có trong danh mục cho phép; chuyển đổi cơ cấu giống từ các loại cá truyền thống sang nuôi giống thủy sản đặc sản, có giá trị kinh tế cao, chú trọng tính thời vụ, kích cỡ và đối tượng nuôi phù hợp. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho nông dân. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/huong-di-ben-vung-cho-nghe-nuoi-ca-long-212831.htm