Hướng đi của châu Âu có thể khiến Mỹ phật lòng
Kinhtedothi – Trái ngược với những gì Mỹ mong đợi, châu Âu đang có hướng tiếp cận riêng đối với Trung Quốc vì lợi ích của khối.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất một cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu hôm 18/4: “Tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra cách tiếp cận khác biệt của riêng mình, đồng thời duy trì hợp tác với những đối tác khác”.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, bà Ursula von der Leyen cho biết: "Chúng tôi không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế, xã hội, chính trị và khoa học với Trung Quốc. Nhưng yêu cầu cấp thiết là tái cân bằng mối quan hệ trên cơ sở minh bạch, trung thực và hai bên cùng có lợi". Theo bà, trọng tâm chiến lược của khối đối với Trung Quốc là giảm thiểu rủi ro kinh tế.
Điều này hoàn toàn trái với quan điểm của Mỹ khi quốc gia này cho rằng việc tách biệt hoàn toàn khỏi Bắc Kinh là cách tiếp cận tốt nhất.
Tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc đã buộc các quốc gia châu Âu phải tự tìm con đường riêng trong chiến lược ngoại giao với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Eurostat, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất và bạn hàng lớn thứ ba của EU vào năm 2022. Điều này đặc biệt phù hợp khi tăng trưởng kinh tế ở EU đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Do vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng củng cố mối quan hệ với Trung Quốc, đồng thời mong muốn quốc gia này từ bỏ việc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Theo NBC News, Trung Quốc đang xem xét gửi vũ khí và đạn dược cho Nga.
Về biến đổi khí hậu, nhiều nhà lãnh đạo EU coi đối thoại với Trung Quốc là mấu chốt để đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm lượng khí thải CO2.
Cũng trong ngày 18/4, nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi vẫn đang tuân theo Chính sách Một Trung Quốc của EU và không có lý do gì để phàn nàn cả. Chúng ta phải bình tĩnh, tránh các hành vi khiêu khích gây mất lòng tin. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều không thể chấp nhận được".
Ông Borrell cũng lưu ý EU cần điều chỉnh lại chiến lược của mình đối với Trung Quốc theo hướng trao đổi, thương lượng, cùng có lợi.
Tuy nhiên, cách tiếp cận mới của EU có thể làm phật lòng Mỹ. Cho đến nay, chính quyền ông Biden luôn chỉ trích gay gắt Trung Quốc cũng như đưa ra nhiều biện pháp hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, trong đó có hạn chế xuất khẩu đối một số ngành công nghệ cao. Không những vậy, Mỹ cũng yêu cầu các quốc gia châu Âu làm điều tương tự.
Đối với Trung Quốc, các quốc gia châu Âu có chính sách đối ngoại khác nhau, phụ thuộc vào tình hình mỗi nước. Một số nước ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ trên cơ sở xem xét những lợi ích liên quan đến an ninh và quốc phòng, trong khi các nước khác sợ “gây thù” với Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế. Điều này đã dẫn đến một cách tiếp cận khác biệt đối với Bắc Kinh.
Đây quả thực là một quá trình phức tạp!
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huong-di-cua-chau-au-co-the-khien-my-phat-long.html