Hướng đi đúng của nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn
Hai năm qua (2022 - 2023), trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hội Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) miền Trung phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua, đồng hành cùng với doanh nghiệp (DN) và chính quyền địa phương đạt được những kết quả quan trọng.
Từ sự hỗ trợ tích cực từ Hội NNTH miền Trung, nhiều hộ đân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã biết áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Các hộ hội viên được hội vận động đẩy mạnh thi đua sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng cho mình và xã hội. Nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, gắn chăn nuôi với trồng trọt, phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, đáng kể đến là các hội viên Nguyễn Văn Lịch, Hoàng Tiển ở Thừa Thiên Huế; Võ Thị Thanh Kỷ, Phan Cao Văn (ở Hà Tĩnh) có thu nhập hàng năm đạt từ 500 triệu đến 700 triệu đồng.
Đặc biệt, một số hội viên là người DTTS ở Nam Đông, A Lưới, bằng sự cần cù, ham học hỏi đã mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi lợn hữu cơ gắn với trồng chuối, trồng dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao như hội viên Nguyễn Hải Teo, Trần Thị Huệ ở A Lưới. Hội viên Lê Công Vinh ở Quảng Điền mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, trồng dưa hấu hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hội viên Nguyễn Văn Huy ở Nam Đông vay vốn, liên kết với DN khôi phục lại cây chè Nam Đông thành chè hữu cơ, được khách hàng đánh giá chất lượng tốt và bước đầu được thị trường chấp nhận.
Ông Hoàng Ái, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNTH miền Trung thông tin, để có được kết quả ban đầu, hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Trong đó, hội tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hơn 5.000 lượt người là cán bộ lãnh đạo, quản lý, DN, nông dân và người tiêu dùng về NNHC - kinh tế tuần hoàn. Hội phối hợp với các DN tổ chức tọa đàm xây dựng lòng tin cho hơn 500 hội viên là người tiêu dùng. Hội đã tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình NNHC, kinh tế tuần hoàn. Từ đó, tạo lòng tin cho người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm mình đang sử dụng là sạch, an toàn và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Không chỉ vận động, tuyên truyền, nhiều hội viên còn đi sâu, sát cơ sở, xuống từng thôn, xóm để gặp gỡ, vận động nông dân xây dựng mô hình NNHC, gắn trồng trọt với chăn nuôi, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đến nay, Hội NNTH miền Trung cùng với DN vận động xây dựng trên 60 mô hình, trong đó có 10 mô hình là hợp tác xã và trên 50 mô hình là hộ trồng trọt, chăn nuôi, hộ kinh tế tuần hoàn.
Hội tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân phân loại, xử lý rác tại nhà thành phân bón hữu cơ bằng công nghệ men vi sinh. Nhiều hội viên đã về các thôn, tổ dân phố để tập huấn, hướng dẫn, cung cấp men vi sinh cho bà con nông dân ở các phường, xã như Thủy Bằng, Kim Long, Hương Sơ của thành phố Huế, Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), Bình Tiến, Bình Thành (thị xã Hương Trà), Kỳ Tiến, Kỳ Đồng, Kỳ Thư, Kỳ Hợp (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và nhiều địa phương khác. Thông qua hội liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố, Chi hội NNTH miền Trung tập huấn kỹ thuật xử lý rác và tặng trên 5.000kg men vi sinh để xử lý rác thải, phụ phẩm, phế phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt thành phân bón hữu cơ tại nhà.
Hội NNTH miền Trung đã vận động hội viên thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho bản thân, DN và xã hội. Tiêu biểu là sáng kiến sản xuất bánh ép thảo dược xông cho gia súc, gia cầm để phòng, chống dịch bệnh của nhóm tác giả Tôn Thất Thạnh. Sáng kiến hoàn thiện quy trình nuôi ruồi lính đen để sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản của nhóm tác giả Lê Đình Hoài Đông. Sáng kiến thay đổi quản lý kiểm soát nội bộ của hội viên Nguyễn Văn Nhật; hoặc sáng kiến trong thống kê, quản lý chuỗi giá trị giúp các hộ nông dân biết tính toán chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn hữu cơ của hội viên Phùng Viên.
Để có được kết quả trên, Hội NNTH miền Trung phải kiên trì vận động, chia sẻ thực sự với người nông dân. Sản xuất NNHC, tuần hoàn là một việc rất khó, được xem như là một cuộc cách mạng mà trong đó nông dân, hộ xã viên là lực lượng chủ lực của cuộc cách mạng. Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, Hội NNTH miền Trung đã mời các chuyên gia, đích thân Chủ tịch Trung ương Hội NNTH Việt Nam về “lót dép” ngồi tọa đàm với bà con nông dân các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Phú (huyện Quảng Điền), nông dân huyện A Lưới, Nam Đông và dần dần mở rộng ra huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà (Hà Tĩnh), thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) rồi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình và nhiều địa phương trong các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Điểm nổi bật trong số các hoạt động là Hội NNTH miền Trung đã cử hội viên về với hộ nông dân tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để kết nối với DN giúp nông dân xây dựng mô hình NNHC, kinh tế tuần hoàn. Nhờ đó, có nhiều gia đình hội viên được DN cho vay vốn với lãi suất bằng “0 đồng”, hoặc tín chấp cho hội viên vay vốn ngân hàng để phát triển NNHC, nông nghiệp tuần hoàn.