Hướng đi hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo (bài 3)

Bài 3: Để chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọnĐBP - Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, thoát khỏi tình trạng huyện đặc biệt khó khăn, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đảng bộ, chính quyền huyện Điện Biên Đông xác định sẽ tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung ưu tiên đầu tư để đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện...Bài 1: Nền tảng từ Nghị quyết số 07Bài 2: Kết quả đáng mừng

Nông dân bản Háng Lìa B, xã Háng Lìa chăn thả bò.

Khắc phục khó khăn

Chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã đạt những kết quả quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Song nhìn chung phát triển chăn nuôi đại gia súc của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô đàn trâu, bò còn nhỏ; đàn dê giảm mạnh so với những năm trước do giá dê xuống thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên huyện tập trung vào phát triển đàn trâu, bò. Hình thức chăn nuôi chủ yếu là nông hộ, huyện chưa có cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí về trang trại. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế; giống trâu, bò của địa phương là giống bản địa, có tầm vóc và thể trạng nhỏ nên năng suất và hiệu quả chưa được như mong muốn. Một khó khăn khác trong phát triển chăn nuôi trâu, bò của huyện là tình trạng thả rông gia súc còn phổ biến ở hầu hết các xã, gây khó khăn cho công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh. Công tác mở rộng và quy hoạch mới bãi chăn thả gia súc của các xã, thị trấn chưa thực hiện tốt. Bên cạnh đó, công tác tiêm vắc xin phòng trừ dịch bệnh, phòng chống đói rét, vệ sinh, thú y chưa thực sự được người dân quan tâm đúng mức, nên vẫn còn tình trạng gia súc chết rét, mắc bệnh ở một số địa phương, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng đàn. Nguồn thức ăn cho gia súc chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên; phát triển chăn nuôi chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm...

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Để khắc phục những khó khăn trên, huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển chăn nuôi; mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi cho lao động nông thôn. Đối với việc cải tạo giống trâu, bò của địa phương, huyện sẽ tiến hành điều tra, rà soát cụ thể về số lượng, chất lượng để làm cơ sở lựa chọn đàn cái nền và đực giống địa phương đủ tiêu chuẩn đưa vào lai tạo hoặc phối giống trực tiếp; chọn lọc giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương để lai tạo giống; mở rộng dịch vụ thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò đến các hộ chăn nuôi. Về nguồn thức ăn cho gia súc, huyện tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là các loại cỏ có năng suất, chất lượng cao, như cỏ sả lá lớn, cỏ voi, cỏ VA06... để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò. Mặt khác, huyện củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông và thú y các xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch bệnh cho gia súc; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi... nhằm bảo vệ và phát triển đàn trâu, bò của huyện.

Đưa chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chăn nuôi đại gia súc đã trở thành hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân huyện Điện Biên Đông. Về lâu dài huyện xác định sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh; đưa chăn nuôi trâu, bò thành ngành sản xuất chính nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Để thực hiện mục tiêu trên theo ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, trước hết huyện sẽ tiếp tục làm tốt việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Sơ, Háng Lìa, Xa Dung, Luân Giói... Chủ động xây dựng và triển khai mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo hướng an toàn sinh học, kết hợp các loại thức ăn tự nhiên và tổng hợp cùng một số chế phẩm sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện nỗ lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi được tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, lai tạo giống, trồng cỏ; có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn.

Đặc biệt, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thịt trâu, bò huyện Điện Biên Đông, mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; tổ chức thu thập và cung cấp kịp thời thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các hộ chăn nuôi, đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ kịp thời, giá cả phù hợp, hạn chế tình trạng người dân phải tự tiêu thụ sản phẩm, giá cả bấp bênh. Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 07 để Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành nghị quyết mới về phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đưa chăn nuôi trâu, bò trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: Đức Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/186809/huong-di-hieu-qua-trong-xoa-doi-giam-ngheo-bai-3