Hướng đi mới cần được nhân rộng
Đề án xây dựng mô hình điểm về y học cổ truyền, bao gồm xây dựng vườn thuốc Nam và đào tạo, hướng dẫn đội ngũ y, bác sỹ sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh, được Quân y BĐBP Nghệ An triển khai từ năm 2012. Mục tiêu của dự án này là xây dựng các mô hình khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền dân tộc, phát triển cây thuốc Nam, tạo nguồn dược liệu tại chỗ. Qua 2 năm triển khai, thực hiện, đề án trên bước đầu đạt được kết quả tốt, góp phần mở ra một hướng mới trong dùng thuốc Nam để chữa trị các bệnh thông thường cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn biên giới.
Bệnh xá BĐBP Nghệ An là một trong 2 đơn vị được chọn làm điểm để xây dựng vườn thuốc Nam với diện tích gần 500m2. Các cán bộ, y, bác sỹ của Bệnh xá đã bỏ ra hàng trăm ngày công để xây dựng vườn thuốc Nam đạt chuẩn theo quy định của ngành. Vườn được quy hoạch làm 3 khu, trồng các loại cây thuốc theo nhóm, có biển ghi rõ tên và công dụng của từng loại cây thuốc, trong đó, có một khu vườn trồng và ươm các loại cây thuốc quý. Hằng ngày, việc chăm sóc vườn thuốc Nam do các y, bác sỹ và người bệnh thực hiện, đây cũng chính là một trong những liệu pháp điều trị bổ sung có hiệu quả cho các bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Năm 2013, với nguồn dược liệu thu hái được tại chỗ cộng với kiến thức kinh nghiệm của các y, bác sỹ được trang bị qua các lớp tập huấn sử dụng thuốc Nam trong chữa bệnh, Bệnh xá đã sản xuất được nhiều loại thuốc chữa bệnh thông thường đạt chất lượng tốt, như cảm cúm, ho, xoa bóp, tiêu hóa... để phục vụ điều trị cho bệnh nhân, cả nội trú và ngoại trú.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Cường, Đồn BP Nậm Càn, bị đau cột sống đang điều trị tại Bệnh xá cho biết: Qua thời gian điều trị theo hướng kết hợp Đông-Tây y và châm cứu nên bệnh tình của tôi thuyên giảm nhanh, sức khỏe tốt lên trông thấy. Theo Trung úy, Bệnh xá trưởng Trần Lĩnh Hiển, việc kết hợp Đông-Tây y trong chữa bệnh tại Bệnh xá đạt hiệu quả rất cao. Các bệnh cảm cúm, lỏng lỵ, hội chứng viêm khớp... điều trị bằng phương pháp này, bệnh chuyển biến nhanh, rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh.
Đại tá Nguyễn Đình Đức, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: Để thực hiện các mục tiêu mà Đề án xây dựng điểm về y học cổ truyền đề ra, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn, trạm BP dành quỹ đất tăng gia trong đơn vị để xây dựng vườn thuốc Nam và hướng dẫn bộ đội cách chọn giống, trồng, quy trình chăm bón cũng như cách thu hái, sơ chế và bảo quản. Các công đoạn đều được kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời để bảo đảm tiến độ và yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức giới thiệu cho cán bộ, chiến sỹ và người dân địa phương trong khu vực biên giới hiểu rõ tính năng, công dụng của các loại cây thuốc Nam để có thể sử dụng khi cần thiết vừa dễ tìm, vừa giảm được chi phí cho người bệnh.
Cho đến nay, hầu hết các đơn vị cơ sở của BĐBP Nghệ An đã xây dựng được vườn thuốc Nam phân tán. Các đồn, trạm BP đã huy động hàng trăm ngày công lao động để cải tạo đất, gieo trồng cây dược liệu, hướng dẫn, vận động cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương tìm các loại cây dược liệu quý về nhân giống. Tại Đồn BP Ngọc Lâm, nhiều loại cây thuốc Nam được trồng ở 8 vườn xung quanh đơn vị, mỗi vườn có diện tích gần 100m2 với trên 100 loại cây dược liệu, được chia thành từng nhóm, do cán bộ quân y của đồn sưu tập trên địa bàn đưa về trồng. Hiện nay, cây thuốc đang phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.
Thượng tá Đào Văn Khôi, Chủ nhiệm Quân y BĐBP Nghệ An cho biết: Được sự đồng ý của trên, ngành Quân y BĐBP Nghệ An đã thành lập Hội Đông y và Hội Châm cứu BĐBP. Hoạt động của Hội tập trung vào việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn mọi người sử dụng thuốc Nam kết hợp với châm cứu để điều trị một số bệnh thông thường, đồng thời tự sản xuất các loại thuốc dùng chữa ho, trị cảm, xoa bóp, tiêu hóa... góp phần nâng cao chất lượng công tác y học cổ truyền ở các đơn vị.
Sử dụng cây thuốc Nam trong chữa bệnh đang là một hướng đi đúng đắn, nhằm phát triển nền y học cổ truyền ở nước ta. Với ngành Quân y BĐBP nói chung và Quân y BĐBP Nghệ An nói riêng, thành công của Đề án xây dựng mô hình điểm về y học cổ truyền không chỉ góp phần nâng cao chất lượng điều trị và phòng ngừa một số bệnh thông thường cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vùng biên giới, mà còn giúp tạo ra một cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, làm phong phú thêm nguồn dược liệu của địa phương.
Hải Thượng
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/huong-di-moi-can-duoc-nhan-rong/