Hướng đi mới cho âm nhạc truyền thống Huế

Âm nhạc truyền thống (ANTT) Huế là một di sản văn hóa đặc sắc. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thị hiếu của công chúng, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, công nghệ chuỗi số (Blockchain) nổi lên như một giải pháp tiên phong, giúp bảo tồn và quảng bá ANTT Huế theo hướng bền vững, sáng tạo.

 Du khách trải nghiệm thực tế ảo ở Hoàng cung - Đại Nội Huế

Du khách trải nghiệm thực tế ảo ở Hoàng cung - Đại Nội Huế

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ngành văn hóa, du lịch Huế cũng như một số doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp, ứng dụng công nghệ số để quản lý, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của mình, như: Thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping… để giúp người dân, du khách và cả giới chuyên môn có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã số hóa nhiều công trình, hạng mục, cổ vật… dưới dạng 3D, lập bản đồ số, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan... Hay như các tác phẩm nghệ thuật tại Trung tâm Triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số kết hợp của Sống Platform (nay là “Sống centre Huế”) ở đường Bà Triệu…

Ở các phương diện khác, những tiện ích đem lại từ Hue-S được xây dựng, cải tiến trên nền tảng Blockchain – đã giúp TP. Huế tạo được thương hiệu nhất định về các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp và ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước thời gian qua.

 Trải nghiệm tham quan di sản Huế bằng công nghệ thực tế ảo

Trải nghiệm tham quan di sản Huế bằng công nghệ thực tế ảo

Công nghệ chuỗi số (Blockchain) được hiểu là một chuỗi (chain) gồm nhiều khối (block) dữ liệu ghép lại, những khối này là nơi chứa thông tin được thêm vào cơ sở dữ liệu. Với tính minh bạch, bảo mật và không thể thay đổi, Blockchain đã và đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như: tài chính, giáo dục, y tế, nông nghiệp, bất động sản...

Riêng với mảng văn hóa nghệ thuật, Blockchain giúp ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và tổ chức liên quan. Đặc biệt, với khả năng lưu trữ và bảo mật, các bản ghi âm, video hoặc tư liệu, những tác phẩm nghệ thuật nói chung, ANTT Huế nói riêng có thể được bảo tồn lâu dài trong môi trường số, tránh nguy cơ bị thất lạc hoặc sao chép trái phép.

ThS. Trần Như Đăng Tuyên – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật TP. Huế cho hay, việc đưa các tác phẩm ANTT Huế lên nền tảng Blockchain sẽ giúp du khách có thể tham gia vào những buổi trình diễn nhạc truyền thống hay trải nghiệm không gian văn hóa Huế mà không cần di chuyển. Ngoài ra, với khả năng tạo ra các hồ sơ không thể thay đổi, những bài hát, bản nhạc, nhạc lễ, dân ca, ca Huế hay các buổi biểu diễn ANTT Huế… có thể được đăng ký trên Blockchain để ghi nhận tác quyền, tránh việc sao chép trái phép và tạo sự minh bạch trong xác định nguồn gốc. Những điều này giúp mở rộng đối tượng khán giả, thúc đẩy giá trị kinh tế, văn hóa của di sản.

Một trong những ứng dụng nổi bật của Blockchain là Non-fungible Token (NFT) - một dạng tài sản số đại diện cho tác phẩm gốc, không thể thay thế. Với NFT, nghệ sĩ có thể phát hành các bản ghi âm, hình ảnh, thậm chí là các buổi biểu diễn ANTT Huế dưới dạng tài sản số độc quyền, giúp công chúng yêu nhạc tiếp cận những giá trị nghệ thuật một cách minh bạch và sở hữu những bản ghi độc quyền.

Việc phát hành các tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn mở ra hướng đi mới trong việc huy động tài chính để tổ chức các buổi biểu diễn, triển lãm hoặc nghiên cứu về ANTT Huế. Ngoài ra, Blockchain còn hỗ trợ triển khai các hợp đồng thông minh (smart contracts), giúp nghệ sĩ nhận thù lao công bằng mà không cần qua trung gian, tối ưu hóa lợi nhuận và khuyến khích sáng tạo.

Công nghệ Blockchain là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa. Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản là hướng đi cần được nghiên cứu và triển khai nghiêm túc bởi tiềm năng nó đem lại. Việc lưu trữ các bản ghi âm, video hoặc các tài liệu về ANTT Huế trên Blockchain giúp bảo tồn di sản này trong môi trường kỹ thuật số một cách an toàn và vĩnh viễn. Điều này đảm bảo các tác phẩm không bị mất mát theo thời gian và các thế hệ tương lai có thể truy cập lâu dài.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, các CLB nghệ thuật, những nghệ nhân dân gian… đều có những đóng góp đáng ghi nhận theo cách riêng của mình trong bảo tồn ANTT Huế.

Theo bà Đặng Thị Quỳnh Nga, Tổ trưởng tổ Âm nhạc dân tộc (Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế), nhà trường đang thực hiện công tác bảo tồn ANTT Huế thông qua các hoạt động: Giảng dạy, biểu diễn, sưu tầm và biên soạn dữ liệu. Trong đó, riêng số lượng bài đưa vào giảng dạy ở ngành nhạc công truyền thống Huế là 70 làn điệu, bài bản (nhã nhạc, ca Huế, dân ca).

Với xu thế hiện nay, các phương pháp bảo tồn mà những đơn vị nói trên đã, đang thực hiện kết hợp với ứng dụng Blockchain sẽ giúp công tác bảo tồn, phát huy ANTT Huế có bước đột phá mới, giúp lan tỏa rộng hơn, bền vững hơn; đồng thời, tạo ra cơ hội lớn để nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, công chúng cùng tham gia vào quá trình phát triển văn hóa số. Và để làm được điều này, cần có sự tương hỗ, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức văn hóa và cộng đồng công nghệ nhằm đưa ANTT Huế tiến xa hơn trên bản đồ nghệ thuật thế giới.

Đông Phong

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/huong-di-moi-cho-am-nhac-truyen-thong-hue-152994.html