Hướng đi mới cho cây ăn quả đặc sản của Hoài Đức
Phát huy lợi thế của vùng đất ven sông Đáy, huyện Hoài Đức tập trung phát triển các loại cây ăn quả đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, mục tiêu lâu dài hướng đến phục vụ thị trường xuất khẩu.
Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Vương Thị Mai Lan cho biết, sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, hiệu quả cao với tổng diện tích 838ha. Trong đó, vùng trồng cây ăn quả có diện tích 540ha với nhiều loại cây đặc sản như bưởi đường Quế Dương, cam Canh, phật thủ, nhãn chín muộn… Giá trị thu nhập bình quân từ 500 – 700 triệu đồng/ha/năm.
Trong đó, nhãn chín muộn Hoài Đức đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2013, được TP đưa vào Đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2012 - 2020 là cây ăn quả chủ lực để phát triển. Đến nay, nhãn chín muộn Hoài Đức đã xuất khẩu thành công sang Malaysia, châu Âu, Australia... Sự kiện này đã mở cánh cửa cho các loại trái cây đặc sản trên địa bàn huyện vươn ra những thị trường tiềm năng. Hộ ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương cho biết, trước đây vườn của gia đình ông trồng chủ yếu cam Canh nhưng hiệu quả thấp do sâu bệnh nhiều. Từ khi được huyện khuyến khích trồng cây nhãn chín muộn, ông đã mạnh dạn phá bỏ cây cam, trồng 2.000 cây nhãn nhín muộn. Hiện, toàn bộ vườn nhãn được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Năm nay, gia đình ông được các công ty thu mua để xuất khẩu với giá bán dao động tại vườn từ 40 – 45.000 đồng/kg. Nhờ trồng nhãn chín muộn mà đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện. Hiệu quả kinh tế khi tham gia mô hình thâm canh nhãn chín muộn tăng từ 20 – 30%. Để giúp bà con trong khâu phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện đã tạo điều kiện cho các xã thành lập “Hiệp hội sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn”, đồng thời đăng ký thương hiệu nhãn chín muộn Hoài Đức.
Ngoài nhãn chín muộn, hiện Hoài Đức còn có bưởi đường Quế Dương cũng đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Với chất lượng thơm ngon, có giá bán từ 35.000 – 40.000 đồng/quả. Đây cũng được đánh giá là cây trồng tiềm năng hướng đến xuất khẩu của huyện. Bên cạnh đó, phát huy kết quả đạt được, hiện nay huyện đang triển khai trồng giống bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình). Đây là giống bưởi được đánh giá có chất lượng phù hợp để xuất khẩu trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết, để nâng cao giá trị cây ăn quả đặc sản hướng đến thị trường xuất khẩu, huyện đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội triển khai mô hình áp dụng giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng nhãn chín muộn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mục tiêu của huyện là phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm. Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất ổn định có quy mô lớn, phát triển mạnh các vùng chuyên canh tập trung.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huong-di-moi-cho-cay-an-qua-dac-san-cua-hoai-duc-354049.html