Hướng đi mới cho dịch vụ du lịch sinh thái lưu trú tại huyện Thường Tín
Nhờ tiềm năng sẵn có của vùng nông thôn ven sông Hồng, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín đang từng bước chuyển mình, khai thác các dịch vụ lưu trú, tham quan trải nghiệm du lịch sinh thái, hướng đi mới thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Làng quê chuyển mình
Hồng Vân là vùng đất ven sông Hồng, vốn đã nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là nghề trồng cây cảnh, cây hoa đào, từ những năm 2000, người dân dựa trên nguồn đất phù sa đã từng bước phát triển mạnh mẽ nghề trồng các loại cây cảnh cung cấp cho thị trường khu vực nội đô Hà Nội. Đặc biệt, năm 2008, làng Cơ Giáo và Xâm Xuyên được công nhận làng nghề sinh vật cảnh.
Để tạo cơ hội cho làng nghề phát triển hơn nữa, từ năm 2012 đến nay, xã Hồng Vân đã đẩy mạnh xây dựng NTM, định hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Năm 2014, hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân ra đời là hạt nhân bước đầu chuyển mình.
Người dân xã Hồng Vân đã không ngừng học tập, trao đổi kinh nghiệm làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đến năm 2018 Hồng Vân được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề, tiếp đó năm 2019, xã được TP công nhận NTM nâng cao và đến nay được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Cùng với đó, năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu đạt khoảng 10 tỷ đồng.
Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, nhiều người đã biết đến điểm dịch vụ du lịch lưu trú tại đây nhiều hơn, lượng khách tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời doanh thu cũng tăng theo. Lực lượng lao động tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch tăng cao đáng kể.
Ngoài ra, hàng năm xã còn tổ chức các sự kiện lễ hội hoa xuân, lễ hội tình yêu, đêm hội hoa đăng và đặc biệt là Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung thu hút hàng nghìn du khách. Để tạo ấn tượng với du khách về điểm du lịch dịch vụ lưu trú, UBND xã Hồng Vân vận động Nhân dân xây dựng lối sống xanh; hệ thống hạ tầng đường thôn xóm được nâng cấp, mở rộng, trồng cây xanh, cây hoa, cây cảnh ở các tuyến đường và cải tạo ao hồ tạo cảnh quan môi trường.
Từ khoảng năm 2020, xã Hồng Vân đã trồng hơn 30 tuyến đường hoa mang những màu sắc khác nhau như đường hoa bằng lăng, phượng vĩ, hoàng yến, hoa ban và được khách du lịch ví von như “Thiên đường của các loài hoa”. Sau khi tham quan, trải nghiệm cảnh vật thiên nhiên, tại đây dần có du khách lưu trú qua đêm.
Nhằm tận dụng lợi thế vốn có, ngày 28/12/2021, HĐND xã Hồng Vân đã ban hành Nghị quyết số 28/NĐ-HĐND về việc xin huyện Thường Tín thông qua thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh, làng nghề kết hợp khai thác các dịch vụ lưu trú, tham quan trải nghiệm phục vụ du lịch trên địa bàn.
Từ khi triển khai mô hình du lịch dịch vụ sinh thái lưu trú, xã có nhiều thay đổi tích cực về mặt kinh tế, đời sống xã hội, số hộ nghèo và cận nghèo giảm mạnh, hộ gia đình khá giả tăng cao.
Phát triển du lịch lưu trú bền vững
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, xã xác định mục tiêu đến năm 2025, đưa Hồng Vân trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách; đưa thương mại - du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ.
Trong số 200.000 du khách đến xã thời gian qua, chủ yếu đi du lịch trong ngày, ít khách lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái của xã, vì vậy, chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, xã kiến nghị với TP và huyện cho phép khai thác điểm dịch vụ du lịch lưu trú thuộc vùng lõi quy hoạch, rồi đầu tư hạ tầng.
Giai đoạn 2022 - 2025, xã Hồng Vân sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề mang tính đặc trưng, độc đáo nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển kinh tế xanh.
Thời gian qua, hợp tác xã và người dân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp hệ thống hạ tầng, hệ thống nhà vườn phục vụ khách du lịch nghỉ qua đêm, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, mua xe điện, dựng các ki ốt làm điểm bán sản phẩm làng nghề…. tạo cảnh quan, không gian du lịch ấn tượng, thu hút du khách.
Ông Chu Ngọc Tùng là người đầu tiên đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo, trồng cây, đào ao, làm mô hình nhà vườn sinh thái tại khu đất 6.669m2. Ông chia sẻ, người dân mong muốn sản phẩm du lịch làng nghề cây cảnh ngày càng được du khách biết đến và cũng là giải quyết việc làm cho lao động tại quê hương. Cùng với đó, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và điều kiện lợi thế vốn có từ thiên nhiên để phát triển du lịch kinh tế bền vững của địa phương.
Liền kề với mô hình của ông Tùng là mô hình của ông Mai Văn Tám cũng đã quy hoạch trồng các loại cây, hoa và làm công trình nhà vườn giúp khách du lịch có điều kiện lưu trú, hưởng không khí yên bình ở vùng quê ven sông Hồng sau một ngày trải nghiệm du lịch ở làng nghề Hồng Vân.
Ông Tám chia sẻ: "không chỉ có tôi và ông Tùng mà hàng chục hộ gia đình trên địa bàn xã đã thực hiện làm mô hình du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm, lưu trú qua đêm. Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng, việc thực hiện mô hình như xã đề xuất tính hiệu quả sẽ không cao... Bởi thực tế các gia đình đã đầu tư trên tinh thần có chủ trương của chính quyền địa phương, nhưng công trình nhà vườn đa phần là lắp ghép và bắt đầu triển khai đúng thời điểm xảy ra dịch Covid-19, nên lượng khách du lịch lưu trú cũng không nhiều, đang khiến người làm mô hình không mặn mà".
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa, làng nghề, xây dựng không gian du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường nhằm tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, có thương hiệu, thu hút du khách. Nếu làm tốt, triển khai bài bản, qua đó sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
“Phát huy thế mạnh, xã Hồng Vân chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái làng nghề. Nơi đây hiện không chỉ đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống" - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng khẳng định.