Hướng đi mới với đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo thuộc loại nấm, sống ký sinh trên côn trùng và là loài dược liệu quý, giàu chất dinh dưỡng nhưng ở nước ta thời tiết không phù hợp nên rất ít nơi cấy trồng thành công. Thế nhưng, với lòng đam mê, khát vọng chinh phục, anh Nguyễn Thành Luận (26 tuổi, trú thôn Phú Bình, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã trở thành người đầu tiên cấy trồng thành công đông trùng hạ thảo trên đất Quảng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới với cây dược liệu này. Luận chia sẻ: "Đông trùng hạ thảo phù hợp trồng ở những nơi có độ cao khoảng 4.000m so với mực nước biển, thường được trồng ở các cao nguyên lạnh giá. Ở nước ta, đông trùng hạ thảo rất hiếm nhưng lại có giá trị kinh tế cao vì có thể chữa nhiều bệnh. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tôi quyết định "làm liều" trồng đông trùng hạ thảo trên chính mảnh đất quê hương của mình".
Năm 2017, Luận tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh và nhanh chóng tìm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định. Song, dường như Luận không có hứng thú với chuyên ngành đã học nên anh quyết định từ bỏ để theo đuổi đam mê khởi nghiệp. Xem nhiều chương trình, tìm hiểu qua mạng, Luận quyết định chọn khởi nghiệp với đông trùng hạ thảo. "Ban đầu ý tưởng này được bạn bè, gia đình khuyên ngăn không nên theo nhưng với quyết tâm, niềm đam mê thử sức với những cái khó, điều mới lạ nên tôi vẫn quyết định theo đuổi. Nếu thành công thì mô hình của tôi dễ có lối đi riêng hơn vì chưa ai từng thử nghiệm", Luận nói. Thế là, đầu năm 2018, Luận chạy vay khắp nơi được hơn 100 triệu đồng đầu tư thử sức. Anh biến tầng hai căn nhà mình thành phòng thí nghiệm ngày đêm mày mò, nghiên cứu. Thế nhưng, vì là lần đầu tiên còn thiếu kinh nghiệm nên Luận thất bại. Số đông trùng hạ thảo chỉ mới được nuôi trồng gần 1 tháng đều bị nhiễm bệnh chết. Không nản lòng, Luận quyết định tiếp tục hành trình chinh phục. Lần này, Luận chưa vội vàng cấy trồng mà đầu tư nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn từ sách báo, thông tin qua mạng cũng như xem các thước phim giới thiệu về đông trùng hạ thảo đã được cấy trồng thành công trên thế giới. Luận nhận thấy rằng, yếu tố nhiệt độ không chuẩn đã khiến loài dược liệu quý do mình cấy trồng đợt đầu tiên đã nhiễm bệnh chết. "Thời gian đó tôi có "cầu cứu" một người bạn tại Quảng Ngãi, là bạn thân thời đại học, học chuyên ngành nghiên cứu sinh nên có rất nhiều kinh nghiệm trong việc cấy trồng đông trùng hạ thảo. Được sự trợ giúp của bạn, tôi mới bắt đầu có những bước đi đúng hướng", Luận cho hay.
Sau đó Luận mạnh dạn cấy trồng lứa giống thứ hai và thành công, cây giống hoàn toàn khỏe mạnh. Trong niềm hạnh phúc vô bờ, Luận nhận định, cấy giống là khâu quan trọng quyết định thành công hay thất bại của việc nuôi trồng. Trước khi cấy cần lưu ý khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài sau đó mới cấy nấm vào bên trong giá thể, với thời gian phát triển từ 60 - 70 ngày sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện. Luận còn cho biết, để vượt qua khó khăn nhân giống thành công, anh đã nghiên cứu và chọn nhộng tằm làm giá thể để nuôi cấy. Đồng thời chọn giá thể là dịch lỏng được pha chế từ gạo lức, bắp, khoai tây... sau đó cấy giống nấm trên giá thể. Khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25 độ C, độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều và phủ kín bề mặt. Tiếp theo chuyển sang xử lý tại phòng kín có nhiệt độ 18 - 23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Sau đó chuyển sang phòng nuôi đảm bảo nhiệt độ ổn định 18 - 22 độ C, độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 - 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch.
"Muốn thành công phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách nhưng quan trọng là đừng bỏ cuộc. Hiện tại, chưa thể khẳng định đã thành công nhưng tôi hạnh phúc là đã nuôi cấy được loài nấm vốn dĩ chỉ phù hợp ở các cao nguyên lạnh giá này. Hơn nữa, nhờ "bỏ túi" kha khá các bí quyết nuôi trồng giúp tôi tự tin hơn ở những đợt nhân giống tiếp theo", Luận bộc bạch. Mới đây, cơ sở của anh đã thu hoạch lứa sản phẩm đầu tiên. Ngoài việc phơi, sấy khô sản phẩm, anh còn chế biến thành thực phẩm chức năng giúp mọi người dễ sử dụng hơn với giá 1,5 triệu đồng/hũ (gồm 30g đông trùng hạ thảo và 30g tinh bột nghệ tươi), phần lớn số còn lại, anh dùng để ngâm rượu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mỗi chai rượu của cơ sở có dung tích 0,5 lít, trong đó có 3g quả thể đông trùng hạ thảo khô với giá bán 400 nghìn đồng/chai. Hiện Luận đã đăng ký giới thiệu sản phẩm ở Hội chợ Xuân Kỷ Hợi 2019 với kỳ vọng sẽ trình làng loài dược liệu quý này đến đông đảo mọi người, nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển mới, giàu tiềm năng về kinh tế với đông trùng hạ thảo.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_200808_huong-di-moi-voi-dong-trung-ha-thao.aspx