Hướng đi nào cho cây vải Chí Linh?

Từng là cây ăn quả thế mạnh của TP Chí Linh song những năm gần đây, cây vải bị người dân bỏ rơi, trở nên tiêu điều, xơ xác.

Những vụ gần đây, dù mất mùa hay được mùa thì vải Chí Linh đều mất giá

Những vụ gần đây, dù mất mùa hay được mùa thì vải Chí Linh đều mất giá

Làm thế nào để có thể vực dậy cây vải Chí Linh đang là trăn trở không chỉ của chính quyền, cơ quan quản lý mà còn cả những nông dân vốn gắn bó, tâm huyết với cây vải.

Hiệu quả thấp

Đã từng có thời, cây vải mang lại cuộc sống ấm no cho người dân các xã, phường phía Bắc quốc lộ 18 TP Chí Linh nên toàn bộ triền đồi đều được phủ xanh bởi tán vải. Nhưng vài năm gần đây, do hiệu quả kinh tế bấp bênh, nhiều hộ không quan tâm chăm sóc vải. Anh Hoàng Đức Trung ở thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám than thở: “Những cây vải mỡ màng ngày nào giờ đây bị còi cọc, xơ xác. Nhiều hộ giữ lại chỉ với mục đích tạo bóng mát nuôi gà. Có những vườn bị bỏ không chăm sóc nhiều năm không khác gì vườn hoang".

Gắn bó với cây vải hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Đượm ở khu dân cư số 9 (phường Bến Tắm) không khỏi xót xa khi người dân ngày càng lơ là, chểnh mảng với cây vải. Bà Đượm ngậm ngùi: "Đồng khu 9 là vùng vải đẹp nhất Chí Linh mà giờ cũng hoang tàn. Nhìn trên truyền hình những vùng vải xanh mướt mắt, sai trĩu quả của huyện Thanh Hà và Lục Ngạn (Bắc Giang) mà tôi chạnh lòng. Phần lớn các hộ đều phó mặc cây vải cho thời tiết, không chăm sóc nên cây kém phát triển. Những vụ gần đây, dù mất mùa hay được mùa thì vải Chí Linh đều mất giá. Vải ở đây chỉ bằng vải loại 2, loại 3 của Lục Ngạn, Thanh Hà".

TP Chí Linh hiện có 4.168 ha vải, tập trung ở các phường, xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm... Đây là địa phương có diện tích vải lớn nhất tỉnh nhưng do người dân bỏ bê nhiều năm nên năng suất vải luôn thấp nhất tỉnh, chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha. Xét về điều kiện khí hậu, đất đai, Chí Linh có nhiều điểm tương đồng với Bắc Giang, song vải Bắc Giang lại hơn hẳn về mọi mặt. Sự thua thiệt này là do người dân và chính quyền địa phương chưa chú trọng phát huy lợi thế của cây vải dù cho đây là nông sản chủ lực, là đặc sản và có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh.

Cần có định hướng

Nguyên nhân quả vải Chí Linh yếu thế là do giá trị thu về không tương xứng với chi phí bỏ ra. Vì thế, người dân chán nản, không còn thiết tha và dần bỏ rơi cây vải. Năm 2015, cây vải Chí Linh được trao cơ hội để vực dậy sau thời gian dài bế tắc khi tỉnh xây dựng vùng vải xuất khẩu tại đây. Nhưng đến nay vải Chí Linh vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Hiện người dân vẫn không trông mong nhiều vào cây này.

Trước đây, xã Hoàng Hoa Thám là vùng trồng vải trọng điểm của TP Chí Linh với 325 ha. Nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, người dân đã chặt bỏ nhiều diện tích, chuyển sang trồng cam, nhãn, thanh long. Hiện xã chỉ còn khoảng 240 ha vải, diện tích vải thâm canh không nhiều. Ông Lê Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Địa phương luôn xác định vải là cây ăn quả thế mạnh nên đang cùng với cơ quan chuyên môn tìm hướng để tháo gỡ khó khăn cho cây vải. Hiện xã đã có 2 vùng vải xuất khẩu ở các thôn Hố Sếu, Hố Giải với diện tích 30 ha. Đây là cơ sở để người dân thấy được hiệu quả và tiếp tục gắn bó với cây vải. Vấn đề then chốt là phải tìm được đầu ra ổn định, lâu dài cho quả vải. Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để đồng hành cùng người dân nâng cao chất lượng và khai thông thị trường tiêu thụ vải".

Tâm huyết với cây vải nhiều năm, ông Vũ Chí Mạnh ở khu dân cư Trại Quan (phường Bến Tắm) luôn mong mỏi vải Chí Linh có thể sánh ngang với những vùng vải nổi tiếng khác chứ không phải èo uột như hiện nay. Theo ông Mạnh, vẫn còn không ít người nặng lòng và hy vọng có thể đưa cây vải phát triển trở lại. "Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền để có điều kiện đầu tư cho cây vải. Có như vậy, cây vải mới có thể phát huy thế mạnh vốn có trên vùng đất đồi Chí Linh", ông Mạnh nói.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước thực trạng chất lượng vải Chí Linh ngày một đi xuống, sở đã phối hợp với TP Chí Linh xây dựng hướng đi. Chí Linh có diện tích vải lớn nhưng diện tích vải thâm canh không nhiều. Vì thế không thể tính những diện tích vải hoang hóa, nhiều năm không được chăm sóc vào diện tích cây ăn quả để làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng của cây vải toàn tỉnh.

Theo định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với những diện tích vải đã cằn cỗi, không thể cải tạo có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như cam, thanh long, na... Nhưng việc chuyển đổi phải được tính toán hợp lý, tránh trồng ồ ạt dẫn tới cung vượt cầu. Những diện tích vải xác định thâm canh, được quy vùng sản xuất phải hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác đồng bộ, bài bản, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chỉ như vậy quả vải Chí Linh mới có khả năng cạnh tranh, tiếp cận được những thị trường lớn, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, người dân mới không còn quay lưng với cây vải.

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/huong-di-nao-cho-cay-vai-chi-linh-110704