Hướng đi nào cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?

Hiện nay, chúng ta vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu điện nên việc khuyến khích phát triển điện mặt trời là chủ trương đúng đắn.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi đã có nhiều chính sách khuyến khích loại hình này phát triển. Song nhiều ý kiến băn khoăn việc giữ nguyên đề xuất phát điện mặt trời mái nhà dư thừa lên lưới điện quốc gia chỉ có giá 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp chấp nhận bỏ vốn đầu tư.

Có thể đấu nối hệ thống điện nhưng với giá 0 đồng

Điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, vừa tối ưu hiệu quả và bảo vệ môi trường. Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600MW. Quy hoạch này cũng đề cập cần có phương án ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng, nhất là khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Theo dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đưa ra hai loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, gồm loại có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, tổng công suất tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đặc biệt, với trường hợp này, sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia sẽ được đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Nhân viên ngành điện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: ĐỨC HIỆP

Nhân viên ngành điện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: ĐỨC HIỆP

Bộ Công Thương khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia. Về giấy phép, Bộ Công Thương đề xuất, phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Bên cạnh đó, công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật... Ngoài ra, dự thảo quy định, việc lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để kinh doanh hoặc bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác cũng là hành vi trái quy định về đầu tư phát triển loại điện năng này.

Lý giải vì sao mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ở giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, bảo đảm được việc ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách.

Lo ngại không thu hút được người dân và doanh nghiệp

Trước những đề xuất này của Bộ Công Thương trong phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, một số ý kiến lo ngại việc quy định người dân được làm hệ thống điện mặt trời, nối với lưới điện quốc gia để bán sản lượng điện dư thừa, nhưng với giá 0 đồng sẽ không thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia. Nêu quan điểm, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán cho cá nhân, tổ chức khác hoặc bán lên lưới điện quốc gia với giá 0 đồng là không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường; sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu.

Một số ý kiến đề xuất, cần cho phép điện mặt trời mái nhà mua bán giữa các tổ chức, cá nhân là hàng xóm của nhau. Việc bán điện cho hàng xóm được các nước triển khai khá đơn giản qua đường dây riêng; nếu mua bán qua lưới, có thể thu thêm phí quản lý đường dây. Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đề nghị sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán giữa các khách hàng trong một tòa nhà mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia. Việc này sẽ giúp cân bằng phụ tải tốt hơn do hạn chế được lượng điện dư.

Nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là thực tế, đặc biệt là với doanh nghiệp. Nhu cầu này nhằm đáp ứng, tự chủ một phần nguồn năng lượng, cũng như cung ứng nguồn điện sạch phục vụ sản xuất xanh, giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì thế, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng chính sách phù hợp để tận dụng và tối ưu hóa nguồn điện này.

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/huong-di-nao-cho-dien-mat-troi-mai-nha-tu-san-tu-tieu-776538