Doanh nghiệp 'ngóng' cơ chế mua bán điện trực tiếp

Hôm nay, ngày 31/5 là thời hạn cuối cùng của Chính phủ giao Bộ Công Thương hoàn thiện Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 232/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng khẳng định, Chủ trương xây dựng Nghị định về cơ chế DPPA đã được đề cập tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được quy định tại Luật Điện lực. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách mới về cơ chế DPPA theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Bộ Công Thương xây dựng theo hai phương án gồm qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia (EVN). Trong đó, bên cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có công suất trên 10MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng. Tức là không bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà, điện rác, điện sinh khối trong cả 2 trường hợp bên mua là tổ chức cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân cả tháng từ 500kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn như doanh nghiệp, tổ chức nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán điện trực tiếp.

Về giá điện với mua bán điện qua đường dây riêng là sự thỏa thuận giữa hai bên. Nếu qua lưới điện quốc gia, hai bên mua bán điện sẽ không được thỏa thuận riêng, giá bán điện sẽ áp theo thị trường giao ngay.

Anh hùng Lao động, TS. Nguyễn Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam.

Anh hùng Lao động, TS. Nguyễn Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam.

Tại cuộc họp Chính phủ giữa bên phát điện năng lượng tái tạo các khách hàng mua điện lớn và về mua bán điện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải nêu rõ trong Quy hoạch điện VIII, không khống chế quy mô công suất các dự án năng lượng tái tạo. Nghĩa là các dự án điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối có khả năng mua bán điện trực tiếp.

Theo Anh hùng Lao động, TS. Nguyễn Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam, trong cơ chế DPPA, các bên sản xuất điện từ năng lượng tái tạo có thể ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng lớn để mua bán trực tiếp. Một điểm lưu ý là với cơ chế này, điện sẽ được truyền tải qua đường dây riêng hoặc lưới điện quốc gia. Theo đó, khi ký các hợp đồng mua bán điện không phải chịu áp lực về sản lượng mà các bên mua bán sẽ đàm phán trên nguyên tắc các nhà máy điện phải nằm trong quy hoạch điện quốc gia, quy hoạch điện của tỉnh, thành phố và có giấy phép bán buôn điện (giấy phép hoạt động điện lực).

Có thể mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp không qua EVN.

Có thể mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp không qua EVN.

TS. Nguyễn Hùng Dũng cho biết thêm, đối với việc mua bán điện qua đường dây riêng, chủ đầu tư bán điện sẽ tính toán đầu tư đường dây dựa trên hiệu quả của các dự án và thỏa thuận giữa hai bên bán và mua. Còn đối với việc sử dụng lưới điện quốc gia thông qua EVN phải đảm bảo cung cầu, đảm bảo an toàn lưới điện. Những điều trên phải cần tính toán rất kỹ lưỡng. Bởi đối với các dự án điện năng lượng tái tạo thì công suất phát và sản lượng không ổn định nên có những thời điểm sản lượng điện, công suất truyền tải tăng cao, có những thời điểm trong ngày lại giảm. Nếu không có cơ chế, chính sách, việc kiểm tra giám sát sản lượng điện sẽ gây mất an toàn lưới điện, ảnh hưởng không chỉ đơn vị sử dụng điện mà còn nhiều đơn vị khác cũng như người dân, mất an toàn lưới điện quốc gia. TS. Nguyễn Hùng Dũng cũng nhấn mạnh, hiện nay vấn đề lớn nhất của cơ chế DPPA là giá điện sẽ được tính toán như thế nào cho hợp lý.

Hiện nay, Việt Nam chỉ có thị trường điện cạnh tranh dưới sự điều tiết của Nhà Nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá điện hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ về giá truyền tải, điều độ được tính thấp hỗ trợ cho giá điện. Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phải có từng bước bóc tách, định hình một cách rõ ràng chi phí của truyền tải điện, bao gồm giá truyền tải, phí điều độ và phí vận hành ra khỏi giá thành sản xuất điện năng. Nếu chưa làm được việc này thì cũng chưa thể thực hiện cơ chế DPPA một cách triệt để.

Hiện nay, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà do Bộ Công Thương đưa ra vẫn chỉ dừng ở mức tự sản, tự tiêu khiến nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế suất cảm thấy “hụt hẫng” bởi không ít doanh nghiệp xuất khẩu bắt buộc phải sử dụng điện từ năng lượng tái tạo để đáp ứng chứng chỉ sản phẩm xanh, tín chỉ xanh. Trong đó, nhiều đại diện hiệp hội doanh nghiệp quốc tế còn cho rằng, chính sách trên không chỉ hạn chế doanh nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài.

Được biết, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để xây dựng cơ chế chính sách về DPPA theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương của Đảng, Luật Điện lực, Luật Giá, các Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của pháp luật có liên quan, hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ trong tháng 5/2024.

Hiện tại, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 9.500MW, các dự án này cùng với các doanh nghiệp đều mong muốn được tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn hợp đồng mua bán điện trực tiếp DPPA (cơ chế DPPA) để thực hiện việc mua bán điện, từ đó hướng tới xanh hóa nền kinh tế bằng thay thế các nguồn năng lượng sạch.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doanh-nghiep-ngong-co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-712129.html