Hướng đi nào cho nông sản an toàn?: Không để nông dân 'một mình, một chợ' (Bài 2)
Sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại nhưng thực tế hiện nay, nông sản an toàn làm ra bán cho ai? Bán như thế nào? Người sản xuất đã được hưởng lợi xứng đáng hay chưa? Người tiêu dùng hiểu hết giá trị mà nông sản an toàn đem lại cho sức khỏe không? Liệu người sản xuất có còn mặn mà với sản xuất sạch?... là những câu hỏi lớn, cần có lời giải, góp phần cho nông sản an toàn được 'cất cánh'.
Bài 2: Không để nông dân “một mình, một chợ”
Những năm qua, các cấp, các ngành có nhiều chính sách khuyến khích nông dân sản xuất an toàn, sản xuất sạch. Song thực tế cho thấy, một số chính sách chưa phát huy hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tú (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) trăn trở về thị trường tiêu thụ nông sản sạch và kiến nghị cần có phiên chợ chuyên bán nông sản sạch
Nông dân cần gì?
Khi mới thành lập, Cơ sở Sản xuất Nấm sạch Thanh Nhàn (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) xác định phương hướng kinh doanh là sản xuất sạch, sản xuất an toàn. Theo đó, anh Nhàn (chủ Cơ sở Sản xuất Nấm sạch Thanh Nhàn) chủ yếu sử dụng cám gạo, cám bắp làm phôi giống. Vì vậy, phôi giống bán sẽ không có lợi nhuận cao bằng phôi giống làm bằng phân bón, thuốc hóa học.
Cụ thể, anh bán 4.500 đồng/phôi giống, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 500 đồng/phôi. Còn phôi giống làm bằng phân bón, thuốc hóa học có lợi nhuận từ 800-1.000 đồng/phôi.
Ngoài kinh doanh phôi giống, cơ sở còn trồng các loại nấm như đông trùng hạ thảo, bào ngư, nấm mèo,... Hiện, cơ sở có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Là người tiên phong trong sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, anh Nhàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay sở Nông nghiệp và Môi trường) tạo điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm sạch. Tại đây, anh được tạo điều kiện trưng bày và bán sản phẩm nấm sạch.
Anh Nhàn chia sẻ: “Đem ra trưng bày nhưng bán không được, sản phẩm bị đánh đồng giá với các sản phẩm nấm khác nên tôi quyết định không tham gia chuỗi. Mong ước của tôi không gì hơn là các cấp, các ngành cần quảng bá nông sản ở một kênh thiết thực, hiệu quả - kênh này chỉ bán thực phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng kết nối trực tiếp với đối tác tâm huyết với nông sản sạch. Bởi thực tế hiện nay, ban đầu nhiều công ty, doanh nghiệp cần sản phẩm sạch nhưng nhập hàng của cơ sở một thời gian lại lấy hàng không rõ nguồn gốc pha trộn vào”.
Cách đây 8 năm, anh Bùi Hữu Trung (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) chuyển từ sản xuất lúa đại trà sang hướng hữu cơ với diện tích 10ha. Năm đầu tiên, năng suất đạt 4 tấn/ha, năm thứ hai đạt 2 tấn/ha. Cứ thế kéo dài đến năm thứ 8, năng suất mới đạt lại 4 tấn/ha. Năng suất thấp, đầu ra không ổn định làm anh Trung băn khoăn, lo lắng, hoài nghi về sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ.

Sử dụng phải nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Anh Trung kể: “Mấy năm đầu thu hoạch xong đem về xay ra gạo thì không có người mua, không biết bán cho ai. Lúc đó, chúng tôi phải đi bán từng kilôgam gạo. Mặc dù hiện nay đầu ra cũng có nhưng vẫn chưa ổn định, tôi hy vọng các cấp, các ngành tạo điều kiện cho nông dân quảng bá thương hiệu nông sản, kết nối thị trường tiêu thụ”.
Hiểu được giá trị của nông sản sạch, nông sản an toàn cho sức khỏe, chị Nguyễn Thị Thanh Tú (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) đầu tư nhà màng, thiết bị, máy móc để trồng rau hữu cơ. Xuất thân dân văn phòng nên chị trải qua nhiều lần thất bại, sau đó mới đưa ra quy trình sản xuất rau rõ ràng, cụ thể. Song, con đường trồng rau sạch của chị lại gặp khó khăn về đầu ra.
Chị Tú nói: “5.000m2 đất tôi trồng đủ loại rau cho dễ bán. Khách hàng của tôi chủ yếu là bạn bè. Bây giờ, tôi cần nhất là có một phiên chợ chuyên bán nông sản sạch, có như vậy, sản phẩm của chúng tôi sẽ không bị đánh đồng giá, khách hàng dễ dàng tìm mua được nông sản an toàn”.
Để nông dân gắn bó với sản xuất an toàn
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng: “Đa số người dân chỉ quan tâm đến ngộ độc cấp tính khi sử dụng phải nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đó, ngộ độc mãn tính cũng rất nguy hiểm. Cụ thể, chúng ta tiếp xúc với hóa chất bảo vệ thực vật trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tới tận thế hệ sau như làm rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ. Đặc biệt, ở phụ nữ dễ gặp tai biến sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, tăng khả năng mắc bệnh ung thư”.
Sử dụng các loại nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vô cùng nguy hiểm. Chỉ có sản xuất sạch mới giải quyết dứt điểm tình trạng ngộ độc do sử dụng nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Lương Lễ Dũng nhận xét: “Thông thường, chúng ta cứ nghĩ sản xuất sạch thì khâu quan trọng nhất là sản xuất. Tuy nhiên, thực tế khẳng định, người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định. Do đó, các cấp, các ngành cần thay đổi phương thức, chương trình hỗ trợ cho cả người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mối nguy hại khi sử dụng nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, chúng ta mới dần hình thành thói quen sử dụng nông sản an toàn”.
Hiện nay, Long An có hơn 2.700ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP, với sản lượng 73.745 tấn/năm; gần 400ha đạt chứng nhận GlobalGAP, sản lượng 11.000 tấn/năm; nông nghiệp hữu cơ hơn 30ha, sản lượng 1.580 tấn/năm và 41 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Đây là những con số không hề nhỏ. Thế nhưng, những con số này chỉ nói lên quy mô sản xuất. Còn số liệu về hiệu quả kinh tế đạt được là như thế nào? Để rồi nhiều nơi hiện nay vẫn tồn tại thực trạng: Người cần bán thì không ai mua, người cần mua lại không biết nơi bán.

Long An có trên 2.700ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Trong khi đợi ý thức người tiêu dùng chuyển biến, ngành tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền làm sao cho người sản xuất ý thức được rằng, họ sản xuất mặt hàng này không phải bán giá cao hơn mà chính là bảo vệ sức khỏe của mình và cả gia đình, nhất là sản xuất nông sản không an toàn chính là vi phạm pháp luật.
Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập chợ chuyên bán thực phẩm sạch. Xây dựng chặt chẽ mô hình liên kết giữa “nông dân - doanh nghiệp - Nhà nước” để bảo đảm đầu ra ổn định, tạo ra một môi trường cung - cầu đích thực cho nông sản an toàn, giúp nông sản an toàn không chỉ là “xu hướng” mà trở thành chuẩn mực của nền nông nghiệp hiện đại trong tương lai.
Hy vọng với những giải pháp của ngành chuyên môn đưa ra, cộng với ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng và người sản xuất thì nông sản sạch, an toàn sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Qua đó, cải thiện thu nhập cho người sản xuất, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đây là hướng đi bền vững, tất yếu của nền nông nghiệp xanh./.