Hướng đi nào để bền vững
Cùng với đẩy mạnh đầu tư, áp dụng công nghệ, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp và tập trung ruộng đất để khai thác, sử dụng có hiệu quả là những vấn đề mấu chốt giúp cho tái cơ cấu nông nghiệp thành công.
Thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn
Theo các chuyên gia, mô hình kinh tế tuần hoàn rất cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp, bởi đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển nền nông nghiệp bền vững. Trong mô hình tuần hoàn, quá trình sản xuất sẽ theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Kinh tế tuần hoàn vừa tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, vừa giảm sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống vốn chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường.
Ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, nếu nhìn và phân tích theo chuỗi giá trị và mô hình tuần hoàn thì còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Nổi lên là việc trong sản xuất vẫn quá chú trọng vào số lượng, tìm cách tăng sản lượng, tăng năng suất nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, cũng như đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất hay các rủi ro với môi trường do việc dư thừa đầu vào gây ra.
Bên cạnh đó, còn quá tập trung vào các khâu trước thu hoạch mà chưa tính toán đầy đủ và chưa có giải pháp hiệu quả cho sự thất thoát, lãng phí ở các khâu thu hoạch, sau thu hoạch và tiêu dùng. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Việt Nam có thất thoát, lãng phí trong chế biến và tiêu dùng nông sản cao gấp 7 lần so với Hà Lan. Thịt, cá, rau quả là mặt hàng bị mất đi trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lớn nhất, trên thế giới trung bình 45% nhưng đối với Việt Nam lên đến 60%. Ngoài ra, nhận thức chung của xã hội về việc phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn còn chưa đồng bộ, đầy đủ.
Với tư duy không cái gì bị bỏ đi và các bên đều chiến thắng trong chuỗi giá trị của quá trình sản xuất khép kín, chúng ta cần có chủ trương ưu tiên, định hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, và có chính sách đồng bộ để thúc đẩy, thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản. Cùng với đó cần có các chính sách đầu tư cho nghiên cứu, đầu tư nguồn lực phát triển các hệ thống quản lý, quản trị sản xuất và công nghệ tương thích để phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, từ đó lan tỏa sang các ngành kinh tế khác, góp phần định hướng lại nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu ngành, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Tập trung ruộng đất
Một nền kinh tế với mô hình kinh tế hộ sản xuất quy mô nhỏ đã bộc lộ những hạn chế cố hữu, như luôn phải đối mặt với rủi ro bởi điều kiện thiên nhiên, thiên tai, dịch bệnh, hay điệp khúc “được mùa mất giá”… do đó càng khó có thể đứng vững trước những yêu cầu cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ ngày càng khắt khe hơn. Nhưng một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp chính là vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất.
Theo các chuyên gia, cần nhìn nhận thấu đáo, quyết liệt giải quyết điểm nghẽn này. Nguồn lực đất đai cho sản xuất nông nghiệp phải được phân bố cho người sử dụng có hiệu quả không hạn chế ở mức hạn điền, quan hệ sở hữu như hiện nay. Tích tụ ruộng đất là gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn tập trung ruộng đất là gắn kết đất đai của nhiều người vào mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Nhưng đây là vấn đề rất lớn mà đến nay chưa tháo gỡ được, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; những bất cập về khung giá đất đền bù… trong Luật Đất đai 2013.
Trong khi đó về vấn đề tập trung ruộng đất, thực tiễn thời gian qua hoạt động dồn điền đổi thửa, mô hình hợp tác xã (HTX), mô hình thuê đất của nông dân… đã diễn ra khá phổ biến và bắt đầu có hiệu quả, được nhiều nông dân đồng tình. Các mô hình tập trung ruộng đất này bảo đảm cho nông dân có quyền sử dụng đất và có lợi tức khi cho thuê đất, trong khi không làm bần cùng hóa, không làm mất đất, không làm phát sinh hệ lụy sau này.
Trong thực tế, mô hình chủ trang trại thuê đất của nông dân để mở rộng diện tích cũng khá phổ biến ở nhiều nước mà ở đó người nông dân làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Đây là một tham khảo, gợi ý tốt cho Việt Nam. Theo hướng này, cần tập trung xây dựng các chính sách và giải pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX, DN trực tiếp thuê đất của nông dân, từ đó tập trung ruộng đất cho mục tiêu sử dụng có hiệu quả nhất.
Theo các chuyên gia, tích tụ và tập trung ruộng đất là quá trình tự nhiên vận hành theo nguyên tắc phân bố nguồn lực đất đai cho người sử dụng hiệu quả nhất. Vì vậy, vai trò của Nhà nước một mặt cần có các chính sách để chống tích tụ ruộng đất theo hướng hình thành các “địa chủ”, đầu cơ đất đai có thể dẫn bần cùng hóa nông dân mà không vì mục đích sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Nhưng đồng thời, cần có những chính sách thông thoáng, hấp dẫn tạo điều kiện khuyến khích phát triển các mô hình, hình thức tập trung ruộng đất có quy mô phù hợp với loại hình sản xuất, trong đó ưu tiên hình thức HTX, DN thuê đất của nông dân.
Khi nút thắt điểm nghẽn này tháo gỡ được sẽ giúp mở đường cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, hấp thu được công nghệ, vốn tín dụng, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của nền nông nghiệp vốn lâu nay vẫn được coi là có thế mạnh.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/huong-di-nao-de-ben-vung-89290.html