Hương nếp Nậm Xây

Tháng Chạp, những thửa ruộng bậc thang dọc theo con suối Nậm Xây Nọi và Nậm Xây Luông (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn) đang vào “kỳ nghỉ đông”. Người Dao đỏ ở các thôn Nậm Van, Phiêng Đoóng bắt đầu chở những bao thóc nếp xuống núi. Gần chục năm nay, năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ tết Nguyên đán cận kề, những hạt thóc nếp “uống nước” từ dòng suối Nậm Xây Luông, Nậm Xây Nọi chảy từ đại ngàn, chắt chiu những giọt mồ hôi của người Dao đỏ ở nơi vùng cao này lại theo những chuyến xe xuôi ngược, về bếp của mọi nhà để làm bánh, đồ xôi trong ngày Tết.

Ông Triệu Văn Phúc, năm nay đã 86 tuổi kể lại rằng, từ khi sinh ra ở thôn Nậm Van này, đã thấy bố mẹ và anh em trong họ, người trong thôn cấy giống lúa nếp thơm này rồi (tìm hiểu được biết đó là giống nếp cái hoa vàng - PV). Cũng chẳng biết nguồn giống lúa nếp thơm ở Nậm Xây được lấy từ đâu, chỉ biết từ ngày đó đến giờ, người Dao đỏ cứ để giống lúa nếp từ vụ này sang vụ khác để cấy mỗi vụ mùa sau.

Người Dao Nậm Xây luôn quan tâm bảo quản thóc nếp cẩn thận.

Người Dao Nậm Xây luôn quan tâm bảo quản thóc nếp cẩn thận.

Thường thì, tháng 5 gieo mạ, tháng 6 cấy, đến tháng 9 thu hoạch, kịp cho tết Nguyên đán. Điều đặc biệt đối với người Dao ở Nậm Xây, đó là họ luôn cấy riêng một khoảnh ruộng, không lẫn tạp, sau này để giống. Việc canh tác lúa nếp thơm ở Nậm Xây cũng rất đặc biệt, bởi bà con chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật một lần trước khi lúa trổ bông, sau đó không phun thêm lần nào nữa. Cũng chính vì thế, lúa nếp ở Nậm Xây khi vào hạt rất hay bị bọ xít phá hại, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp hơn… Biết được phun thuốc trừ sâu sẽ bảo vệ lúa khỏi sâu bệnh hại, nhưng người Dao đỏ vốn chỉ cấy lúa nếp để lấy thóc dùng trong gia đình là chính, nên họ rất chú ý đến an toàn cho sức khỏe của chính mình, của người thân.

Hầu như gia đình người Dao nào ở Nậm Xây cũng cấy lúa nếp vào vụ mùa để gói bánh chưng, thổi xôi, giã bánh dày trong dịp tết Nguyên đán. Họ chỉ cấy một diện tích đủ lượng gạo nếp dùng trong gia đình, chẳng bán ra ngoài bao giờ. Thế nhưng, khi đường giao thông rộng mở, hạt nếp thơm Nậm Xây trong những lần theo người Dao đỏ rời thôn, đã để lại ấn tượng với nhiều người, bởi chất gạo dẻo, thơm, không phải loại nếp nào cũng sánh được. Dần dần, nhiều người biết đến đặc sản gạo nếp Nậm Xây đã tìm đến tận nơi để mua về dùng trong ngày tết. Thấy vậy, nhiều gia đình ở Nậm Xây bắt đầu mở rộng diện tích cấy lúa nếp, nhờ đó có thóc nếp dư giả trong nhà. Cũng từ khi hạt nếp thơm Nậm Xây được nhiều người tìm mua, người Dao đỏ ở Nậm Xây cũng không còn tích trữ nhiều lúa nếp nữa, mà họ chỉ để lại đủ dùng, còn đâu bán hết, không để lại vụ sau, bởi để lâu, gạo sẽ không ngon.

Là hộ trồng thóc nếp thơm nhiều năm nay, cũng đã nhiều năm bán thóc nếp cho khách mua lẻ, ông Triệu Văn Phủ, thôn Nậm Van tâm sự: Hạt nếp thơm trồng ở Nậm Xây rất dẻo, thơm. Giờ đây, chúng tôi không còn thói quen giữ thóc qua nhiều vụ trong nhà nữa, mà bán đi với mong muốn chia sẻ hạt thơm này cho nhiều người, nhất là vào dịp tết Nguyên đán, để hương nếp Nậm Xây bay xa. Ông Phủ còn “bật mí” cho chúng tôi: Do được trồng trên đất pha cát, dọc hai bên suối Nậm Xây Luông và Nậm Xây Nọi, nên hạt gạo nếp ở Phiêng Đoóng, Nậm Van trắng trong; còn trồng trên chân ruộng cao ở Nà Hầm, dẫn nước từ khe núi về nên hạt gạo trắng đục. Tuy nhiên, hạt gạo khi nấu lên vẫn dẻo và thơm không thể lẫn vào đâu được.

Người Dao Nậm Xây luôn quý hạt nếp thơm.

Người Dao Nậm Xây luôn quý hạt nếp thơm.

“Người Dao ở Nậm Xây quý hạt thóc nếp lắm. Bởi, mỗi dịp lễ tết, đều không thể thiếu hạt nếp thơm để làm bánh, đồ xôi dâng cúng tổ tiên… Phụ nữ dân tộc Dao ở đây còn duy trì nghề chưng cất rượu men lá truyền thống cũng nấu từ thóc nếp, ủ trong chum sành để gia đình sử dụng trong ngày tết”, bà Triệu Mùi Phấy, thôn Nậm Van bộc bạch.

Hiện, xã Nậm Xây chỉ cấy một vụ lúa nếp (vụ mùa), nếu cấy hết diện tích sẽ đạt hơn 60 ha; năng suất lúa nếp đạt 50 - 51 tạ/ha, sản lượng hơn 30 tấn. Mỗi dịp tết Nguyên đán, người dân Nậm Xây cung ứng ra thị trường khoảng 1/3 sản lượng gạo nếp. “Gạo nếp Nậm Xây mới được công nhận sản phẩm OCOP, chưa có chỉ dẫn địa lý. Cho nên, dù gạo nếp Nậm Xây dẻo thơm, nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến như nếp Thẳm Dương”, ông La Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây trăn trở.

Về Nậm Xây những ngày này, chúng tôi bắt gặp các chị dân tộc Dao đỏ ngồi bên bếp lửa sưởi ấm, nhanh tay thêu nốt những vuông thổ cẩm để may áo đón tết cho cả gia đình. Thỉnh thoảng, các chị lại dừng tay, vui vẻ tiếp đón khách đến thôn tìm mua nếp thơm Nậm Xây.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363964-huong-nep-nam-xay