Hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề
Những năm gần đây, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) được tỉnh, các cấp, ngành quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong duy trì định hướng phân luồng HS. Triển khai Kế hoạch số 80/KH-UBND, ngày 24-2-2020 của UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên (TN) năm 2020 về việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với TN để nắm bắt và giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của TN. Qua các ý kiến của TN đặt ra, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Sơn trả lời về công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau THCS, THPT tham gia học nghề.
1. HS Huỳnh Thanh Nhã, Trường Trung cấp Kỹ thuật-Công nghệ: tỉnh thực hiện định hướng giáo dục nghề nghiệp gắn với phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Sơn: thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 826/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Trong đó, định hướng đến năm 2025 có ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS và 45% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Nhằm đẩy mạnh và tăng cường phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề đạt tỷ lệ phân luồng đề ra, tỉnh quan tâm chỉ đạo các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC), trung tâm GDNN phối hợp các trường THCS, THPT đổi mới hình thức hướng nghiệp, tư vấn học nghề cho HS; rà soát, tư vấn tập trung phân luồng cho HS khối lớp 9 và 12, nhất là HS có nguy cơ bỏ học và không có khả năng tiếp tục học lên THPT. Ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp ngành giáo dục và đào tạo tổ chức Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh học nghề... góp phần thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ huynh HS hướng cho con em tham gia học nghề. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN phối hợp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh, dự báo nhu cầu của thị trường lao động để định hướng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của DN; chuyển đổi cơ cấu lực lượng lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động của tỉnh và cả nước.
Các trường TC áp dụng mô hình đào tạo vừa học nghề, vừa học giáo dục thường xuyên. HS được giảm nhẹ áp lực chương trình THPT, chỉ cần học 6 môn văn hóa để được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và được cấp bằng TC. Sau 3 năm học, các em có thể tham gia thị trường lao động (tự tìm việc làm, khởi nghiệp, xin việc làm) hoặc học liên thông các chương trình đào tạo trình độ cao hơn. Qua thời gian triển khai thực hiện, mô hình vừa học nghề, vừa học giáo dục thường xuyên đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của HS và phụ huynh.
2. HS Trần Thị Trung Thảo, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú: em đang học tại trường trung cấp nghề, sau khi em tốt nghiệp TC, em sẽ có cơ hội được học liên thông lên CĐ, ĐH không, thưa ông?
Ông Phạm Sơn: theo Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về liên thông giữa trình độ TC, CĐ, ĐH có quy định: người tốt nghiệp TC, CĐ có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ ĐH theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo.
Các trường CĐ, TC, trung tâm GDNN tổ chức xây dựng chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt và liên thông các cấp trình độ từ sơ cấp đến CĐ theo nguyên tắc kế thừa và tích hợp để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng nghề mà người học đã tích lũy được theo từng cấp, trình độ đào tạo. Như vậy khi em tốt nghiệp TC và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT em có thể tham gia thị trường lao động (tự tạo việc làm, khởi nghiệp; xin việc làm) hoặc học liên thông các chương trình đào tạo trình độ cao hơn.
3. HS Huỳnh Thanh Nhã, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ hỏi: em tham gia ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề. Tuy nhiên, em muốn biết rõ hơn về định hướng các nghề học, học xong thì có cơ hội việc làm thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Sơn: để có thể lựa chọn được nghề học phù hợp với năng lực, khả năng của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình, HS cần hiểu rõ thế mạnh và đam mê nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn lao động của DN và thị trường lao động cũng tác động đến các ngành nghề đào tạo. Vì thế, HS và phụ huynh cần quan tâm theo dõi, nắm bắt sự biến động của thị trường việc làm. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo rất quan tâm đến công tác khởi nghiệp hỗ trợ TN có nhu cầu vay vốn, phát huy sự sáng tạo và thử sức tìm hướng đi mới để cung cấp những mặt hàng, dịch vụ theo ý tưởng của riêng mình.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở GDNN, các trường CĐ, TC đều có bộ phận tư vấn tuyển sinh và quan hệ DN định hướng ngành nghề học, chương trình, thời gian đào tạo; mô tả cơ bản về các nghề học, vị trí và cơ hội việc làm. Đồng thời, chịu trách nhiệm gắn kết, phối hợp DN nắm bắt kịp thời nhu cầu tuyển dụng, cung ứng nguồn lao động phù hợp với định hướng sản xuất và phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh đào tạo theo đơn đặt hàng của DN nhằm cung ứng trực tiếp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề và tham gia ngay vào hoạt động sản xuất của DN. Vì vậy, sau khi hoàn thành khóa học, HS được DN nhận vào làm việc ngay mà không cần tìm việc làm.
4. HS Nguyễn Văn Tây, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú hỏi: vì sao hiện nay học nghề ngày càng trở thành xu hướng được quan tâm. HS khi tham gia học nghề được hưởng chính sách hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Sơn: thực tế hiện nay, thay vì học tiếp THPT, có rất nhiều HS sau khi tốt nghiệp THCS chọn học TC để tiếp con đường học tập của mình. Điều này không khó hiểu khi thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc làm một công việc khác không phù hợp năng lực bản thân, không đúng ngành nghề đào tạo; một số ít HS tốt nghiệp ĐH quay lại học TC, CĐ nghề tìm việc làm.
Trong khi đó, hiện nay một số ngành nghề như: kỹ thuật hàn, công nghệ ô tô, cơ khí điều khiển tự động... đang cần số lượng lao động rất lớn nhưng thiếu nguồn nhân lực cung ứng. Thời gian qua, thị trường lao động có nhiều chuyển biến khi các nhà tuyển dụng cần lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng thực tiễn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Vì vậy, lao động có tay nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn chính là đối tượng các DN quan tâm tuyển dụng.
Nhằm khuyến khích tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ lao động có kỹ năng nghề (thợ), Đảng và nhà nước có nhiều chủ trương khuyến khích tham gia học nghề. Đặc biệt là chính sách miễn học phí cho người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ TC, giảm một phần áp lực kinh tế cho gia đình, rút ngắn thời gian đào tạo và sớm có được việc làm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm như: hỗ trợ thân nhân của người có công với cách mạng, người khuyết tật khó khăn về kinh tế, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo cận nghèo, người tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên trình độ TC, người học các nghề đặc thù; chính sách nội trú đối với HS, sinh viên học CĐ, TC hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, biên giới... và chính sách vay tín dụng cho HS, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.