Hà Giang sở hữu hàng nghìn cung đường đèo và những con dốc cao cheo leo, hiểm trở. Thế nhưng, dốc Thẩm Mã nằm trên Quốc lộ 4C, nối từ thị trấn Yên Minh tới Phố Cáo lại mang một nét cuốn hút rất độc lạ đủ làm say mê mọi du khách.
Hẻm Tu Sản nằm trên con sông Nho Quế thuộc huyện Mèo Vạc trong một buổi sáng mờ sương, màu nước xanh như ngọc, giữa địa hình núi rừng hiểm trở, đã tạo nên phong cảnh đẹp như tranh vẽ.
Đến Mèo Vạc mà không đi Làng H’Mông Mèo Vạc thuộc xã Pả Vi sẽ là một thiếu sót bởi nơi đây chính là hình ảnh thu nhỏ cuộc sống của đồng bào người H’Mông tại Hà Giang. Làng được mô phỏng hình hoa đào, loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên đá.
Làng H’Mông Mèo Vạc lưng tựa núi, ẩn hiện trong sương mờ. Tại đây lưu giữ những kiến trúc truyền thống và văn hóa người H’Mông, biến làng giống như một đóa hoa nở rộ giữa chốn núi rừng Đông Bắc.
Làng văn hóa Lũng Cẩm trong thung lũng xã Sủng Là, huyện Đồng Văn cũng rất nổi tiếng nhưng nổi tiếng hơn vì nơi đây có nhà của Pao. Sở dĩ gọi nhà của Pao vì nhà được chọn làm bối cảnh trong bộ phim “Chuyện của Pao”, chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của tác giả Đỗ Bích Thúy.
Nhà của Pao hiện là nơi cư ngụ của một gia đình người H’Mông “tứ đại đồng đường”, vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ kính, quyến rũ hòa trong không gian mênh mông, kỳ vĩ của vùng cao nguyên đá.
Các thế hệ sinh sống trong Nhà của Pao, ngôi nhà mang vẻ yên bình, mộc mạc có lịch sử hơn 100 năm tuổi.
Hình ảnh một bà lão người H’Mông tại Làng văn hóa Lũng Cẩm sau một ngày làm việc. Chẳng có chút gì mệt mỏi, buồn chán, nụ cười thư thái của bà thật khiến người ta quên đi mọi điều phiền muộn trong cuộc sống.
Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 125km và cách Cao nguyên đá Đồng Văn chỉ 15km. Nhìn từ trên cao, công trình gồm bốn căn nhà ngang, sáu căn nhà dọc chia thành ba khu vực tiền dinh, trung dinh và hậu dinh.
Kiến trúc bên trong Dinh thự họ Vương hết sức độc đáo, là sự kết tinh của ba nền văn hóa khác nhau, gồm H’Mông, Pháp và Trung Quốc.
Khách du lịch đã đến Hà Giang không thể không đến Dinh thự họ Vương để chìm đắm trong những cảm giác xưa cũ và tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của hai cha con người H’Mông Vương Chính Đức và Vương Chí Sình.
Nằm ngay dưới chân núi Rồng và cách Cột cờ Lũng Cú chỉ khoảng 1km, làng Lô Lô Chải là nơi sinh sống của tộc người H’Mông và người Lô Lô trong nhiều thập kỷ. Điều đáng nói là làng Lô Lô Chải vẫn lưu giữ được những giá trị về văn hóa, vật chất và tinh thần của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá.
Dạo quanh một vòng làng Lô Lô Chải, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng kiến trúc nhà trình tường đặc trưng thường thấy ở cao nguyên đá Hà Giang. Một số ngôi nhà đã được sửa lại để phục vụ lưu trú khi khách du lịch có nhu cầu.
Phút yên bình của các mẹ, các chị người Lô Lô khi may vá, thêu thùa trước hiên nhà.
Khách du lịch trong nước và quốc tế đều muốn tìm kiếm một nơi bình yên, thư thái như làng Lô Lô Chải để nghỉ ngơi, khám phá, trải nghiệm sau những ngày vội vã chạy theo nhịp sống hiện đại.
Từ làng Lô Lô Chải có thể nhìn thấy rõ Cột cờ Lũng Cú trong phạm vi 1km. Vì thế, khách du lịch nước ngoài cũng muốn đặt chân đến di tích được xem như biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước Việt Nam.
Việt Nam có 6 điểm cực, trong đó 4 điểm đất liền và 2 điểm trên biển. Trong 4 điểm đất liền, điểm cực Bắc nằm ở Lũng Cú, Hà Giang, 3 điểm cực khác là điểm cực Tây (A Pa Chải, Điện Biên), điểm cực Nam (Đất Mũi, Cà Mau) và điểm cực Đông (Mũi Đôi, Khánh Hòa).
Ngay với những người H’Mông Hà Giang, tham quan và tìm hiểu điểm cực Bắc nằm ở Lũng Cú là niềm tự hào và vinh dự của họ, sau những ngày vất vả mưu sinh. Tới đây, họ sẽ thêm yêu Tổ quốc, mảnh đất Hà Giang quê hương mình.