Hương sen mắt phố

Hàng Khay (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) là một trong ba đại lộ quanh hồ Gươm được mở rộng sớm nhất cùng với những phố 'Tây' ở Hà Nội xưa. Hiện trên nóc nhà số 3 vẫn còn chữ đắp nổi số năm 1886 đánh dấu thời gian cho tới ngày nay.

Thực ra đây là con đường nhỏ đã hình thành từ đời Lê - Trịnh của hai làng Vũ Thạch và Cựu Lâu cổ. Trong dân gian đã lưu truyền: “Rủ nhau chơi khắp Long thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai/ Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay”.

Nhịp phố lá xanh

Phố Hàng Khay dài chừng 160 mét nhưng được mở rộng tới 14 mét và chỉ có một dãy nhà số lẻ. Đối diện phố là một công viên với rừng cây cổ thụ bên hồ Gươm. Đường phố ở phía nam hồ Gươm nên luôn hút gió từ hai con phố Bà Triệu và Hàng Bài thổi về. Cây cối xanh um. Hình ảnh hồ Gươm xưa đã được danh nho Nguyễn Khuyến mô tả lúc giao thời mở mang: “Ba chục năm trời cảnh vắng ta/ Hồ Gươm dấu cũ đã phai nhòa/ Tranh che khắp chốn thành lầu gác/ Kèn súng thâu đêm bặt trúc tơ” (Hoàn Kiếm hồ).

Khi dân kẻ chợ Thăng Long mở rộng phía đông thành (trên sông Tô) thì dân thợ khảm từ phía nam (Phú Xuyên) kéo lên làng Vũ Thạch bên hồ Lục Thủy (hồ Gươm) lập nghiệp. Sau đó, thợ khảm từ Thanh Hóa cũng gồng gánh hàng lên bán tại thôn Cựu Lâu (đầu Tràng Tiền). Không ngờ những cửa hàng của hai làng hành nghề khảm trai rất thu hút khách hàng. Riêng những bát điếu, hộp trầu và khay trà khảm ốc được người mua ưa chuộng.

Ki-ốt bán hoa tươi ở góc phố Hàng Khay trước năm 1980.

Ki-ốt bán hoa tươi ở góc phố Hàng Khay trước năm 1980.

Sang hơn có cửa hàng khảm hoành phi câu đối hoặc những cuốn thư thờ tự. Tôi đã có dịp gặp nghệ nhân Nguyễn Đình Hải tại làng khảm trai Chuôn Ngọ (Chuyên Mỹ-Phú Xuyên-Hà Nội). Anh cho biết, trước khi người Pháp mở đường, xóm thợ làng anh vẫn còn nhiều cửa hàng bán đồ khảm tràn sang cả dãy nhà số chẵn bên hồ. Ngày đó nhiều quân nhân Pháp rất thích mua những hàng khảm trai đưa về nước và họ coi đó là những bảo vật.

Phải nói thợ khảm làng Chuôn Ngọ nức tiếng với những chiếc ống bút, hộp thuốc lá, tráp trầu và khay trà khảm hoa. Đặc biệt khách hàng hay chọn đồ khảm những tích cổ như “Vinh quy bái tổ”, “Tam đại đồng đường”, “Bách điểu chầu Hoàng”… Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải đưa tôi xem chiếc khay khảm những bông hoa sen bên thành gỗ thanh mảnh. Riêng lá sen và đài hoa được khảm vỏ Sác biển xanh biếc còn cánh hoa được chạm những mảnh trai Cu khổng ánh sắc hồng mượt mà. Nổi hứng nghệ nhân ngâm nga mấy câu thơ khi thưởng trà.

Giọng anh nhừa nhựa khê nồng: “Ai hay trong một chén trà/ Có hồ sen ngát đậm đà dâng hương”. Rồi anh kể chuyện về ông tổ nghề của làng mình (là ngài Trương Công Thành) đã từng dạy con cháu làm nghề khảm trai ốc như thế nào. Hiện trong làng có đền thờ tổ nghề Trương Công Thành từ đời Lý. Ngài đã được vua phong danh “Cái công hoàn vũ” (với ý nghĩa một danh tướng có công đánh giặc Tống giữ yên bờ cõi nước nhà).

Phường nghề khảm trai đã tản mát sau khi đại lộ quanh hồ Gươm được khai phá mở rộng từ đầu năm 1885. Cánh thợ khảm trở về quê mở xưởng làm hàng thuê cho những người buôn bán trên phố Hàng Khay. Dãy nhà số chẵn bị dỡ bỏ hẳn dành đất làm công viên ven hồ. Tên phố đã đổi thay ba bốn lần theo thời cuộc nhưng cuối cùng phố vẫn chỉ giữ một nghề buôn bán hàng khảm trai. Thậm chí phố còn thịnh vượng khi phát triển những hàng khảm lớn như sập gụ tủ chè cùng hoành phi câu đối vào những thập niên 30 và 40 thế kỷ XX.

Rồi sau đó, bên góc phố Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng xuất hiện dãy cửa hàng bán hoa. Buổi sáng nào cũng tấp nập người tới mua hoa, nhất là vào những dịp lễ tết và ngày rằm. Đường hoa làm tươi mới phố phường quanh vùng hồ Gươm. Thi sĩ Trọng Khanh đã ghi lại hình ảnh chợ hoa trên phố ngày đó: “Phấp phới tà áo dài duyên dáng/ Những quầy hoa sắc thắm Ngọc Hà/ Xôn xao đời nhịp nắng ngã ba/ Hồ dậy sóng dạt dào hương phố”. (Nhịp phố). Dãy hàng hoa đã bị phá vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước.

Tiếng yêu cất lời phố mới

Phố Hàng Khay luôn biến đổi theo thời gian cùng với ngành nghề khác nhau. Vùng đất Vũ Thạch xưa cùng với đền mẫu Liễu Hạnh bên đình là nơi hội tụ dân kẻ chợ khắp nơi. Tuy cửa đình và đền Vũ Thạch có địa chỉ số 13 Bà Triệu nhưng dân khu vực này xưa nay đều đi đường làng cũ lên đình (theo ngõ số 29 Hàng Khay). Ngôi đình gợi nhớ bao ký ức lịch sử về con phố nghề khảm.

Nơi đây đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ nhất (1946) mà Bác Hồ là cử tri đến bỏ phiếu đầu tiên. Đồng thời sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), đình Vũ Thạch trở thành địa điểm đóng quân và là chỉ huy sở của Tự vệ thành Hà Nội, trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Kiến trúc đặc sắc của đình Vũ Thạch trở thành di sản văn hóa (1.000 năm) sâu đậm trên mảnh đất hình thành phố Hàng Khay.

Đáng chú ý, dân phố luôn thích ứng với những biến động xã hội và sẵn sàng đổi mới. Khi mặt hàng khảm giảm sút theo thị trường, ngay lập tức một loạt hiệu ảnh ra đời. Đặc biệt, hiệu ảnh Quốc tế (ở số nhà 21-23) nổi bật với kỹ thuật và máy móc hiện đại. Đây là hiệu ảnh lớn nhất phố do nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Xuân Thúy mở từ năm 1946. Dân chụp ảnh dạo quanh hồ Gươm đều đưa phim tới hiệu ảnh Quốc tế hoặc hiệu Khánh Ký đầu phố Bà Triệu kế bên Hàng Khay để ra ảnh. Hàng Khay trở thành phố nhiếp ảnh vì thế.

Sinh thời cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Huân, người chuyên chụp ảnh về Hà Nội cũng thường tới đây xử lý ánh sáng cho tác phẩm mỗi khi in ảnh. Những bức ảnh đen trắng ngày đó tạo nên dấu ấn thời đại để lại hàng trăm tác phẩm nghệ thuật về Thủ đô. Phố nghề ảnh này kéo dài hơn 40 năm cho tới khi đất nước bước vào thời đoạn kinh tế thị trường. Đặc biệt, khi công nghệ thông tin phát triển, phố ảnh dần mất hẳn từ năm 2010. Hiện chỉ còn một cửa hàng ảnh Phương Đông (số 27) như một dấu tích cổ sót lại theo thời gian.

Công viên bên hồ phố Hàng Khay.

Công viên bên hồ phố Hàng Khay.

Sự cạnh tranh của cơ chế thị trường tạo nên những tấm áo khoác mới cho bất kể phố “Hàng” nào ở khu kẻ chợ Thăng Long - Hà Nội. Tuy phố Hàng Khay chỉ có khoảng 20 địa chỉ cửa hàng nhưng cũng đầy biến động. Hiện phố tập trung với những quán cà phê nhà cổ hoặc khách sạn. Một số cửa hàng nhỏ chuyển sang bán đồ lưu niệm dịch vụ du lịch. Riêng quán cà phê của gia đình ca sĩ Tuấn Hưng tại số nhà 19 Hàng Khay một thời luôn được các bạn trẻ lui tới.

Tại ban công nhà hàng, ca sĩ Tuấn Hưng đã từng biểu diễn tri ân những người hâm mộ mình. Hàng trăm khán giả đứng dưới đường trong đêm cuối tuần (phố đi bộ Hàng Khay) hướng lên nghe Tuấn Hưng hát. Họ cùng hòa nhịp với anh bản tình ca “Vũ điệu thần tiên”. Những chùm ánh sáng màu trên phố tạo nên không gian lung linh cho khúc ca thú vị này. Lời đồng vọng của các bạn trẻ khuấy động đường phố: “Xua tan đi bao nỗi âu lo muộn phiền/ Hãy đắm chìm trong vũ khúc thần tiên/ Tuổi trẻ nào cũng qua một thời/ Vui lên đi quên hết ưu tư đầy vơi”. (sáng tác Minh Châu).

Hương trà bên hồ Gươm

Những chiếc khay trà khảm trai làng Chuôn Ngọ không còn được bày trên phố như ngày nào nhưng chúng lại ở khắp nơi. Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải vui vẻ cho biết hàng của anh luôn xuất hiện trên các kênh mạng xã hội. Anh khoe có lần hội chợ làng nghề trên hồ Gươm vào dịp xuân mới đây, khách tới gian hàng khảm rất đông. Nhiều người chọn mua khay trà khảm hoa. Nghệ nhân đã cùng khách pha trà bên cạnh cây đồng hồ hoa (ở bên hồ đầu phố Hàng Khay). Không ngờ một số văn nhân vô tình đi qua đã quây quần bên bàn trà. Một không gian vàng trong đêm hội chợ.

Chiếc kim thời gian đồng hồ hoa chậm chạp nhích dần từng giây một. Những văn nhân trầm ngâm hướng mắt về tháp Hòa Phong cùng với chén trà nóng trên tay. Một người chậm rãi vuốt râu rồi cất tiếng ngâm nga: “Chén trà trên hai tay/ Chánh niệm dâng tròn đầy/ Thân và tâm an trú/ Bây giờ và ở đây” (Thi kệ thiền trà). Đường phố Hàng Khay thấp thoáng mờ ảo trong màn sương mùa xuân với những nỗi niềm xưa vang bóng. Những cánh sen e ấp như khóe mắt huyền trên khay gỗ ngát hương lan tỏa khắp phố thơm.

Chung Tử

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/huong-sen-mat-pho-i737853/