Về làng nghề làm hương thẻ Tây Lân những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật với công đoạn làm hương. Tận dụng thời tiết nắng ráo, người dân làng nghề tất bật làm hương để phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán.
Làng nghề hương Tây Lân được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu làng nghề năm 2011. Làng hiện có 13 hộ chuyên sản xuất hương, với 100 lao động thường xuyên và hơn 150 lao động thời vụ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lý (xóm 5, xã Nghi Trường) là một trong những hộ có thâm niên trong nghề. Để cạnh tranh với thị trường, mấy năm nay, gia đình bà chọn giải pháp lấy nguyên liệu làm hương hoàn toàn bằng các loại thảo mộc như: rễ hương, hoa hồi, quế chi,… Ưu điểm của hương làm bằng thảo mộc là không gây độc hại đối với người sử dụng, cũng như người trực tiếp sản xuất, mùi thơm dễ chịu. Trung bình mỗi ngày gia đình cung cấp ra thị trường từ 5 - 7 nghìn thẻ hương các loại. Những ngày cao điểm như dịp áp Tết, từ 1 - 2 vạn thẻ.
“Ở đây chúng tôi làm hương quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán là mùa tiêu thụ hương lớn nhất trong năm. Nguồn hàng ngày Tết gấp đôi so với những tháng thường ngày. Gia đình sản xuất hương hoàn toàn bằng thảo mộc, nhờ đó nên có rất nhiều đơn đặt hàng. Để kịp bàn giao cho khách, gia đình tôi phải thuê 10 - 15 lao động làm liên lục, cả ngày lẫn đêm vừa để kịp nhập cho mối hàng quen, vừa nhập sang Lào”, bà Lý cho hay.
Nhờ sản xuất bằng thảo mộc, năm vừa qua gia đình đã ký được đơn đặt hàng xuất sang Lào với số lượng 100 vạn búp. Sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình còn lãi ròng trên 200 triệu đồng.
Bột hương được trộn đều và cho vào máy để làm hương
Trước đây, khi làm hoàn toàn thủ công đòi hỏi người làm hương phải thành thục các kỹ thuật “nhúng”, “vê” để bột hương dính bám đều vào que. Giờ đây, khi sản xuất bằng máy, người làm nhàn hơn, năng suất cao hơn, cây hương lại đều, đẹp.
Sau khi bột được trộn bỏ vào máy, người dân chỉ cần đẩy nhưng thanh tre vào bên trong sẽ tạo ra hương. Hương được làm xong sẽ ra phơi, đến cuối chiều sẽ gom lại và đóng gói.
Dịp Tết, các cơ sở sản xuất hương phải thuê thêm nhân công để đóng gói sản phẩm kịp tiêu thụ.
Đóng gói hương
Từng bó hương được người thợ đóng gói và dán nhãn trước khi đem đi tiêu thụ.
Nghề làm hương khá nhẹ nhàng, người già, học sinh cũng có thể tranh thủ thời gian để làm có thêm thu nhập.
Trong dịp chuẩn bị đón Tết này, người làm nghề thường tranh thủ mọi thời gian để sản xuất, tích trữ hàng hóa để đảm bảo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Thu Hiền