Hương Thủy trao mô hình sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên

Tại Thừa Thiên - Huế, thị xã Hương Thủy là một trong những địa phương được đánh giá cao về công tác giảm nghèo bền vững, đa chiều, thông qua việc triển khai lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.

Theo UBND thị xã Hương Thủy, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn thị xã đạt 2,23%. Toàn thị xã có 166 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,64% (thấp nhất toàn tỉnh). Trong đó, hộ nghèo không có khả năng lao động là 115 hộ, chiếm tỷ lệ 69,28% số hộ nghèo; hộ nghèo có khả năng lao động là 51 hộ, chiếm tỷ lệ 30,72% số hộ nghèo.

Hiện nay, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất được ngân hàng chính sách xã hội thị xã cho vay vốn. Người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.

Nhằm trợ hỗ trợ, tạo điều kiện về tư liệu sản xuất giúp người nghèo phát triển kinh tế, hạn chế tái nghèo, thị xã Hương Thủy tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, ngày càng thể hiện hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững, đa chiều. Năm 2024, một số dự án giảm nghèo bền vững, gồm đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất; Cải thiện dinh dưỡng… đã được thị xã Hương Thủy triển khai.

Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà năm 2024 trị giá gần 2,8 tỷ đồng, UBND thị xã Hương Thủy đã tổ chức nhiều đợt trao tặng hàng nghìn con gà thả vườn nhằm tạo sinh kế cho một số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng).

Các mô hình sinh kế được trao tới tận tay các hộ nghèo, cận nghèo tạo điều kiện để người dân vươn lên phát triển kinh tế.

Các mô hình sinh kế được trao tới tận tay các hộ nghèo, cận nghèo tạo điều kiện để người dân vươn lên phát triển kinh tế.

Mới đây, đầu tháng 8, 53 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được trao tổng cộng 6.000 con gà thả vườn để tạo sinh kế. Ngoài được hỗ trợ 110 con gà, mỗi hộ còn được tham gia tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ thức ăn (400kg) và thuốc thú y trong thời gian 6 tháng. Tổng kinh phí hỗ trợ mỗi hộ khoảng 13,2 triệu đồng.

Trước đó, đầu tháng 6, 16 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng) trên địa bàn phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy cũng được UBND thị xã trao hỗ trợ gà thương phẩm, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo UBND thị xã Hương Thủy cho biết có 125 hộ gia đình được xét duyệt tham gia dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà thương phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các xã, phường có hộ gia đình được thụ hưởng dự án gồm: Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy Phương, Thủy Tân, Thủy Thanh.

Sau khi ổn định đầu vào, những hộ hưởng lợi sẽ được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm với một số công ty, doanh nghiệp thu mua thịt gà thương phẩm để giải quyết đầu ra, giúp người dân yên tâm chăn nuôi, tăng thu nhập, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Ngoài mô hình nuôi gà, thực hiện dự án Đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thị xã Hương Thủy cũng trao hỗ trợ lợn Móng Cái sinh sản, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng) trên địa bàn.

Tháng 7, 16 hộ gia đình ở Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy Dương và Dương Hòa được hỗ trợ 32 con lợn Móng Cái sinh sản, tương đương mỗi hộ được hỗ trợ 2 con. Lợn Móng Cái sinh sản thời điểm được trao khoảng 2 tháng tuổi, trọng lượng từ 25-30kg. Các hộ tham gia còn được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 460 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 248 triệu đồng, phần còn lại do người dân đối ứng.

Để mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của thị xã tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản cho các hộ tham gia dự án, thường xuyên được kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở Hương Thủy đã có sự chuyển biến trong tư duy làm nông nghiệp, không thụ động, trộng chờ ỷ lại nhận hỗ trợ mà chuyển sang chủ động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thi-xa-huong-thuy-trao-mo-hinh-sinh-ke-ho-tro-ho-ngheo-can-ngheo-vuon-len-2330422.html