Hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho lao động

Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) là một trong những dự luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế khi triển khai chính sách việc làm, từ đó đề xuất sửa đổi một số quy định trong Luật Việc làm để phù hợp với thực tiễn, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Nhiều khó khăn, bất cập

Thanh Hóa có dân số trong độ tuổi lao động trên 2,2 triệu người, chiếm 58,9% tổng dân số. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 400.000 lao động đang làm việc ở tỉnh ngoài và 40.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy, giai đoạn 2020 - 2023, các cấp, ngành trên địa bàn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm kể từ khi Luật Việc làm có hiệu lực.

Tỉnh đã tạo việc làm cho 252.000 lao động, vượt 3,3% kế hoạch; đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 40.960 lao động, vượt 57,5% kế hoạch, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tính cực. Các chính sách hỗ trợ việc làm được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm với chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên đã tạo thêm nguồn vốn đầu tư mua sắm nguyên vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi cho người lao động để tham gia sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định; chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Các hộ gia đình sau khi được vay vốn phát triển sản xuất hầu như đều đã có thu nhập ổn định, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, trở thành gia đình khá giả...

 Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm tại một số đơn vị trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hạnh

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm tại một số đơn vị trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hạnh

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng theo Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, một số chính sách việc làm vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình như: Đối tượng vay vốn theo quy định của Luật Việc làm bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, đối tượng vay giải quyết việc làm chủ yếu là người lao động, nhóm đối tượng còn lại rất khó tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay mới chỉ đáp ứng được 15,2% nhu cầu vay vốn của người dân, nguồn vốn thuộc chương trình được cân đối từ ngân sách Trung ương thấp.

Đối với chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật hiện hành quy định gồm 5 nhóm đối tượng: người DTTS, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp. Trên thực tế, nhóm đối tượng theo quy định của Luật Việc làm ít có điều kiện tham gia đi làm việc ở nước ngoài mà lý do xuất phát từ chính điều kiện, hoàn cảnh sống của họ. Trong khi, nhiều nhóm đối tượng khác, như: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù có nhu cầu lớn trong việc tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Luật.

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác

Trên cơ sở những bất cập, hạn chế nêu trên, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Việc làm để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội là cần thiết. Cụ thể: về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, đề nghị sửa đổi, bổ sung đối tượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương ở trong nước và các địa phương của nước ngoài. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về ưu tiên các đối tượng, gồm: người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; lao động là thân nhân người có công với cách mạng; lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; người lao động có đất bị thu hồi; người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hiện nay, đối tượng tham gia BHTN tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm, đối tượng tham gia BHTN là người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên. Do đó, người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành HTX, liên hiệp HTX có hưởng tiền lương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và miền núi sang hỗ trợ trọn gói cho người lao động theo từng thị trường lao động và đối tượng cụ thể, do việc để người lao động cung cấp chứng từ nhận hỗ trợ rất khó khăn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm ban hành danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo; đồng thời, mở rộng danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/huong-toi-bao-dam-viec-lam-ben-vung-cho-lao-dong-post395845.html