Hướng tới công suất 5.000 MW, Quảng Trị thu hút DN đầu tư vào năng lượng
Với nhiều tiềm năng về điện gió, điện mặt trời, điện khí, tỉnh Quảng Trị đang thực thi các giải pháp quyết liệt để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, hướng tới tổng công suất 5.000 MW vào năm 2025.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính, thời gian qua, tỉnh đã và đang ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào làm điện gió, điện Mặt trời, điện khí và nhiệt điện.
Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất các dự án nguồn điện đạt khoảng 5.000 MW, qua đó tạo nguồn thu ổn định và đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Cụ thể, thời gian qua, tỉnh đã và đang ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào làm điện gió, điện Mặt Trời, điện khí và nhiệt điện: Điện gió ở vùng miền núi phía tây có tổng công suất khoảng 3.200 MW. Điện Mặt trời ở vùng ven biển có tổng công suất khoảng 1.500 MW. Điện khí hiện có các doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà máy ở Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với tổng công suất khoảng 2.000 MW.
Về nhiệt điện, đã có một nhà máy khởi công xây dựng vào cuối năm 2019, với công suất 1.320 MW.
Đến tháng 2/2020, tỉnh Quảng Trị có 7 dự án điện gió đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, với tổng công suất 218 MW; 28 dự án điện gió khác với tổng công suất trên 1.441 MW đã được cấp chủ trương đầu tư.
Tỉnh cũng có 6 dự án điện Mặt trời, với tổng công suất trên 354 MW, đã đi vào vận hành và đang triển khai xây dựng.
Ngoài ra, vào cuối tháng 11/2019, Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị có công suất 1.320 MW, do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan đầu tư, đã được khởi công xây dựng tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với tổng vốn trên 55.000 tỷ đồng.
Đây là dự án có tổng mức vốn đầu tư lớn nhất thực hiện ở Quảng Trị từ trước đến nay. Trong khi đó, Công ty Gazprom của Nga đang triển khai đầu tư nhà máy điện khí với công suất 340 MW.
Tập đoàn T&T Group đang nghiên cứu thực hiện dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, tổng công suất dự kiến giai đoạn 1 là 1.200-1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400-3.000 MW.
Trước đó, vào tháng 12/2019, tỉnh Quảng Trị xác nhận có thêm hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư vào điện gió. Đó là quyết định triển khai dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 4 có tổng công suất thiết kế là 30 MW gồm 9 turbine gió, mỗi turbine gió có công suất từ 3,3 đến trên 3,4 MW; điện lượng cung cấp trung bình trên 100 triệu kWh/năm. Dự kiến, đến tháng 12/2021, Nhà máy Điện gió Hướng Linh 4 sẽ hoàn thành và phát điện.
Như vậy, với tiềm năng rất lớn về điện gió (tốc độ gió trung bình đạt từ 6-7 m/s), tỉnh Quảng Trị đã và đang đón hàng chục doanh nghiệp, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào làm điện gió. Đã có hơn 70 dự án điện gió đi vào hoạt động, đang xây dựng và nghiên cứu, khảo sát với tổng công suất trên 3.600 MW.
Tỉnh Quảng Trị xác định, thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió, là một trong những ưu tiên, nhằm đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng của Khu vực Bắc miền Trung…
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề truyền tải giải tỏa công suất điện gió ở vùng miền phía tây của Quảng Trị. Hiện đường dây 110 kV Đông Hà-Lao Bảo truyền tải được 500 MW điện gió.
Giai đoạn từ năm 2019-2021, đường dây 220 kV Lao Bảo-Đông Hà được xây dựng, giúp truyền tải thêm khoảng 1.000 MW điện gió. Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh cần phải xây dựng thêm Trạm biến áp 500 kV để truyền tải thêm khoảng gần 2.000 MW điện gió.
Quyết tâm hướng tới tổng công suất 5.000 MW trên lĩnh vực năng lượng, lãnh đạo Quảng Trị đang thực hiện phong trào “Ngày thứ 7 vì các dự án động lực”. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dành ngày nghỉ thứ 7 hằng tuần để đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thu hút đầu tư; quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về vận động, thu hút đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công và đưa các dự án, đặc biệt là các dự án trên lĩnh vực năng lượng vào hoạt động./.