Hướng tới đảm bảo an sinh xã hội tại các làng nghề
Hiện nay, trên cả nước có hơn 5.000 làng nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề cao hơn nhiều so với người lao động thuần nông. Tuy nhiên, lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tại các làng nghề vẫn còn ít.
Vẫn chưa mặn mà tham gia BHXH
Ngày nào cũng đều đặn từ 7 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Sáng (35 tuổi) ở làng nghề Khảm trai Chương Mỹ. đã có mặt tại Xưởng sản xuất đồ gỗ Duy Hải Phát (Chương Mỹ, Hà Nội).
Anh Sáng cho biết: "Tôi làm nghề được gần 20 năm. Việc cắt gọt hình ảnh, khảm trai, cũng khá vất vả. Ngồi nhiều đau lưng, mỏi mắt, được cái nắng không đến mặt, mưa không đến đầu và thu nhập cũng tương đối ổn định".
Hiện nay, thu nhập của anh Sáng là khoảng 10-14 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào ngày công làm việc. Trung bình ngày công khoảng 300-500.000 đồng, tùy tay nghề của từng lao động.
Khi được hỏi có muốn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT? anh Sáng chỉ cười trừ: "Thu nhập mang tiếng là cao nhưng thực tế vẫn không đủ chi phí cho cuộc sống, vì chúng tôi phải chi tiêu khá nhiều khoản, chưa kể tiền lương không ổn định, tiền lương hưu hưởng sau này thấp".
Một lý do nữa khiến anh Sáng không muốn tham gia BHXH tự nguyện là vì có vợ đi làm ở công ty, được đóng BHXH bắt buộc. Anh Sáng cho biết, do đặc trưng của nghề nghiệp, nên 40 tuổi là những lao động như anh bắt đầu đau mỏi, mắt mờ; không thể làm nghề được nữa. Lúc đó phải chuyển nghề hoặc mở xưởng thuê lao động tự làm.
Tương tự, bà Lê Thị Anh, 58 tuổi (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) - một lao động tự do ở đây cũng cho biết, bà chưa tham gia BHXH, mới chỉ có BHYT. Bà Anh làm nghề buôn bán chân hương và cho thuê trang phục chụp ảnh tại điểm du lịch, thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Vì thế, thời điểm hiện tại cũng chưa nghĩ đến việc đóng BHXH vì còn phải nuôi 3 đứa con, trong khi đó thời gian đóng dài.
Đẩy mạnh nâng cao nhận thức
Làng nghề giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động, nhưng phần đông lao động ở làng nghề lại chưa tiếp cận được với các vấn đề về an sinh - xã hội.
Ông Nguyễn Đình Đảm, trưởng thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, cho biết: “Hơn 90% lao động trong thôn làm nghề truyền thống, đời sống, thu nhập ổn định, nhưng hầu hết đều chưa quan tâm tới việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng các chế độ an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động”.
Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu có 7.379 người trong độ tuổi lao động. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề tại xã là 72 triệu đồng/năm, nhưng chỉ có 86 lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ông Ngô Xuân Giang - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, hiện nay tỷ lệ người tham gia BHXH trên địa bàn huyện còn thấp. Thực tế, vẫn có những người dân sẵn sàng chi cả chục triệu đồng một năm để tham gia bảo hiểm thương mại, nhưng lại cân nhắc với số tiền vài trăm nghìn đồng hoặc hơn 1 triệu đồng để tham gia BHXH tự nguyện. Lý do chính là họ chưa hiểu về chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Ông Giang cho biết, để khuyến khích người dân tham gia BHXH, vừa qua, TP Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ tiền đóng cho lao động tham gia BHXH tự nguyện thời gian từ tháng 8/2022 đến 31/12/2025, bằng với mức hỗ trợ của Chính phủ.
Ngoài ra, BHXH huyện cũng ký hợp đồng với bưu điện huyện để chi trả tiền lương hưu và phát triển BHXH tự nguyện. BHXH huyện còn phối hợp với các địa phương, tuyển thêm các cộng tác viên để vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHXH; BHYT.
Không riêng làng nghề xã Quảng Phú Cầu, tại làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phó Chủ tịch UBND xã, ông Đinh Chí Nguyện, cho biết: Lao động trên địa bàn xã đều có việc làm thường xuyên, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển, giảm bớt các tệ nạn xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, dù UBND xã cùng các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tích cực vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tỷ lệ lao động tự do tham gia vẫn thấp.
Hiện nay, UBND xã Chuyên Mỹ đang phấn đấu đạt chỉ tiêu 10% người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông Đinh Chí Nguyện cho biết: “Chúng tôi đã và đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khi hết tuổi lao động. Thứ hai, khuyến khích tinh thần nêu gương của đảng viên, công chức trong việc vận động lao động tự do trong gia đình tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện”.