Hướng tới giảm nghèo đa chiều thực chất

ĐBP - Nhiều năm qua, tỉnh ta đã thực hiện khá tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, Điện Biên đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi tác động của đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, đặc biệt là tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo mới… Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ an sinh, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới cần có sự đổi mới trong công tác giảm nghèo và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình ông Vũ Thái Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Khắc phục khó khăn

Để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, hàng loạt chính sách đang được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 2.345 tỷ đồng (Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được Chính phủ phê duyệt). Mặc dù nguồn lực đầu tư không nhỏ, nhưng công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững. Thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (đầu năm 2021 còn 29,97%); riêng tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn 98,9%. Cùng với đó, mục tiêu đưa 7 huyện nghèo (gồm 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 2 huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn còn 7 huyện nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo 42,8%. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, nếu như đầu năm 2016 toàn tỉnh có 98 xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135/CP thì đến nay vẫn còn 96 xã.

Trông chờ, ỷ lại được xác định là một trong những nguyên nhân lớn, cản trở nỗ lực xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ giảm nghèo thời gian qua được thiết kế theo hướng bao phủ rộng khắp các đối tượng thụ hưởng (hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo). Đây là sự nhân văn, ưu việt nhưng điều này cũng khiến hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc, có nơi phản tác dụng, tạo cớ cho người nghèo lười lao động, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ cấu, phân bố nguồn lực còn có sự chênh lệch lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn dành cho công tác đầu tư phát triển hạ tầng chiếm hơn 77% tổng nguồn lực; trong khi đó, số vốn dành cho phát triển sự nghiệp chỉ chiếm khoảng 23%. Đồng tình với quan điểm hạ tầng phải đi trước một bước là đúng nhưng chưa toàn diện khi số hộ thoát nghèo vẫn chưa đạt như mong muốn. Trong khi rõ ràng, hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn là phải thiết kế được những chính sách mềm, dựa trên nhu cầu của người dân và cần thay đổi cách tiếp cận, chuyển người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể, coi đây là đòn bẩy để giảm nghèo. Ngược lại, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 còn hạn chế. Đây là những mô hình tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, nhưng trong cả giai đoạn chỉ thực hiện được 14 mô hình nhân rộng cho 114 hộ dân; thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất với 114 hộ tham gia, hỗ trợ 27 con bò giống, hơn 3.700 con gia cầm…

Hạn chế tình trạng tái nghèo

Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân hàng năm từ 4%, huyện nghèo giảm từ 5,5% trở lên; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, sẽ là mục tiêu khó đạt nếu không có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả. Bởi theo Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thì tiêu chí về thu nhập, khu vực nông thôn tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng (trong khi đó mức chuẩn của khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng, khu vực thành thị 900 nghìn đồng/người/tháng). Về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm…

Nhận định của các cơ quan chuyên môn và các địa phương, khi áp mức chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Bởi vì với tỉnh ta, đa phần người dân còn khó khăn, chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp, trong khi một số địa phương thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là giai đoạn người dân phải đối mặt với những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19 và những tác động từ biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, 9 tháng đầu năm đã tổ chức tiếp nhận bàn giao 1.077 người lao động trở về từ tỉnh Bắc Giang; tiếp nhận trên 500 công dân trở về địa phương được các tỉnh Hòa Bình, Sơn La bàn giao do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trở về địa phương, những người này nằm trong diện không có việc làm thường xuyên, dễ tái nghèo.

Để đạt được mục tiêu đề ra và hướng đến giảm nghèo đa chiều bền vững, cần có sự thay đổi toàn diện, đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và thay đổi tư duy, ý thức thoát nghèo của người dân. Xác định điều đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho 17.423 đối tượng; phân bổ gần 1.200 tấn gạo cứu đói trong thời gian giáp hạt và cứu đói đứt bữa dịp tết Nguyên đán cho gần 78.000 nhân khẩu. Tập trung triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. 9 tháng qua các cơ quan chức năng đã giải quyết việc làm mới cho 6.269 lao động; tuyển mới đào tạo nghề cho 5.531 lao động; xuất khẩu lao động 37 người và đưa được 1.148 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Đặc biệt, không để người dân tái nghèo sau đại dịch Covid-19, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 13/9/2021, đã chi trả tiền hỗ trợ cho 11.430 người, 103 hộ kinh doanh với kinh phí là 4,96 tỷ đồng.

Cùng với việc hỗ trợ, trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo cần rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư; cân đối, bổ sung ngân sách Trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho chương trình. Đặc biệt, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191535/huong-toi-giam-ngheo-da-chieu-thuc-chat