Hướng tới hiện thực hóa hiệu quả Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài

Với mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) và sản phẩm nội địa; thúc đẩy các ngành các ngành công nghiệp, nông nghiệp dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển..., mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam là doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều thành công lớn ở Vĩnh Phúc. Ảnh Thế Hùng

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam là doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều thành công lớn ở Vĩnh Phúc. Ảnh Thế Hùng

Xác định khu vực FDI tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, cùng với việc triển khai các hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức đa dạng, Vĩnh Phúc đã tập trung ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch cho các DN...; qua đó, thu hút được nhiều DN, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn xuyên quốc gia, có thể kể đến như Toyota, Piaggio, Compal, Sumitomo...

Những tháng đầu năm 2022, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD); thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý TTHC trên nền tảng trực tuyến; tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá địa phương tại Cộng hòa Liên bang Đức; chú trọng các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đồng hành cùng DN phục hồi hậu Covid-19.

Ngay sau khi dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát, trong tháng 4/2022, tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022” nhằm tăng cường thu hút các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), tạo cơ hội hợp tác phát triển cho các DN trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, đại diện các Tổ chức, Hiệp hội, DN Đài Loan và Việt Nam.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam và Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài Việt đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh về xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN; Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài Việt đã ký với Sở LĐ - TB&XH tỉnh về đào tạo, cung ứng lao động cho các DN Đài Loan (Trung Quốc) trên địa bàn tỉnh…

Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức thành công “Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; qua đó, tạo cơ hội để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án lớn từ nhà đầu tư chiến lược hàng đầu của tỉnh là Nhật Bản trong thời gian tới.

Đến hết tháng 6/2022, Vĩnh Phúc đang có gần 1.267 dự án đầu tư đến từ 20 Quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có 438 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư cho 15 dự án FDI và tăng vốn cho 23 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 362,799 triệu USD.

Các dự án thu hút được có mặt ở hầu hết các khu công nghiệp trong tỉnh và trải dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó, chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và đến từ các nhà đầu tư của hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhằm hoàn thành các mục tiêu cụ thể nêu tại Kế hoạch số 157 ngày 8/11/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030, tại Kế hoạch thực hiện Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể là: Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn ĐTNN của tỉnh lên hơn 80% đến năm 2030; thu hút thêm 1- 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới vào tỉnh; nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Để hoàn thành các mục tiêu này, nhiệm vụ và nhiều giải pháp được đặt ra là: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh về kinh tế theo hướng tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng đều và thực chất của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch.

Đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, cung cấp Dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN; quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ hiện đại với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn gắn với liên kết vùng; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Bên cạnh đó, phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới và nâng cao cạnh tranh trong thu hút ĐTNN; phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, lan tỏa; phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác ĐTNN; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ĐTNN.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81423/huong-toi-hien-thuc-hoa-hieu-qua-chien-luoc-hop-tac-dau-tu-nuoc-ngoai.html