Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Sức hút trên bờ, dưới biển ở Hàm Thuận Nam
Có cơ hội được lựa chọn ngành nghề phát triển này là đã chứng minh thành quả nổi bật của Hàm Thuận Nam, 1 vùng đất vốn từng ít được nhà đầu tư chú ý...
1. Tại công văn rà soát, đề xuất điều chỉnh diện tích Quy hoạch điện gió trên địa bàn tỉnh mà Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi UBND tỉnh, Hàm Thuận Nam có một số dự án bị đưa ra ngoài quy hoạch điện gió, bị điều chỉnh diện tích. Lý do như công văn nêu là các dự án này nằm ở vị trí liền kề các khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch, các bãi biển đẹp, các tuyến đường ven biển, có tiềm năng phát triển các dự án du lịch, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao… nhưng chỉ mới được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, chưa được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc chưa có nhà đầu tư…
Biển Kê Gà, Hàm Thuận Nam. Ảnh: N.Lân
Ngay thời điểm này, đến Hàm Thuận Nam sẽ cảm nhận điều đó rất rõ, khi hệ thống hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và những tuyến giao thông đối ngoại sắp hoàn thành như Hàm Kiệm -Tiến Thành, ĐT 719B… đã phác thảo được hình dáng khiến khu vực ven biển trở nên nổi bật với triển vọng mà ai cũng nhìn thấy. Đó là du lịch đã khởi sắc trở lại, đô thị ven biển đang và sẽ hình thành. Cộng thêm các trang trại nông nghiệp áp dụng công nghệ cao sản xuất ra những sản phẩm sạch đang khẳng định thương hiệu trên thị trường đã minh chứng hiệu quả xã hội nổi bật của các lĩnh vực này trên thực tế. Vì vậy, đã tạo ra ưu thế rất rõ khi so sánh về hiệu quả đầu tư từ các dự án điện gió.
Như phân tích của UBND huyện Hàm Thuận Nam trong Công văn số 2083 về rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện gió trên địa bàn tỉnh gửi Sở Công Thương: “Mặc dù việc đầu tư các dự án điện gió có mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét nhưng mức độ tác động đến các yếu tố xã hội ít, như giải quyết việc làm cho lao động của địa phương là rất thấp, cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân trên địa bàn là không đáng kể; trong khi đó, diện tích chiếm đất và sự ảnh hưởng đến diện tích sản xuất cũng như đời sống của người dân là rất lớn. Do vậy, có thể nói hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của các dự án điện gió tại khu vực này thấp hơn rất nhiều so với việc sử dụng diện tích đất này để phát triển đô thị du lịch hoặc phát triển nông nghiệp công nghệ cao…”.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua địa bàn huyện. Ảnh: N.Lân
Đó cũng là lý do, huyện đề nghị giảm bớt diện tích của các dự án điện gió đã đi vào hoạt động. Tùy theo từng dự án mà giảm bớt cho phù hợp với diện tích thực tế cần sử dụng như móng trụ tuabin, nhà điều hành, đường công vụ, đường dây tải điện và các công trình phụ trợ khác.
2. Dù giá cả lúc này lúc kia nhưng cơ bản cây thanh long đã mang lại hiệu quả nên việc mở rộng diện tích sản xuất đã diễn ra trước thời điểm điện mặt trời, điện gió được đầu tư vào Bình Thuận. Vì vậy, dù tốc độ gió, tính chất nắng của Hàm Thuận Nam cũng vào hàng 7 - 8 so với vùng Bắc Bình, Tuy Phong nhưng số dự án năng lượng tái tạo vào và triển khai sớm không nhiều bằng. Hiện tại, ở huyện có 2 dự án điện mặt trời, 1 dự án điện gió đang hoạt động, còn những dự án năng lượng khác chưa hoạt động thì đã đề nghị cắt bỏ khỏi quy hoạch, để tạo điều kiện cho Hàm Thuận Nam sử dụng quỹ đất hiệu quả cao, phát triển kinh tế nhanh hơn. Qua đó cho thấy, tài nguyên thiên nhiên của huyện đa dạng cùng sức khai phá của con người nơi đây đã quyết định hình thành 1 nền kinh tế nhiều màu sắc, khi có thêm năng lượng tái tạo. Đó cũng là yếu tố tạo nên sức thu hút của dải đất này lên cao hơn theo thời gian.
Không chỉ trên bờ, ở dưới biển thuộc địa bàn huyện, cụ thể là tại khu vực biển Kê Gà, nơi mà nhiều năm trước, tập đoàn điện gió lớn trên thế giới đã nhắm đến và lên kế hoạch xây dựng Dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà (Thăng Long Wind). Theo trình tự thủ tục, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép Tổ hợp các nhà đầu tư do Công ty Enterprize Energy (Công ty EE) làm đại diện triển khai khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió ngoài khơi mũi Kê Gà và giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại Công văn số 621/2019 của Văn phòng Chính phủ. Dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận nằm trong Quy hoạch điện VIII và hiện quy hoạch này chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khoảng tháng 9/2022, Sở Công Thương có Công văn số 2151 về khu vực khảo sát tuyến cáp ngầm trên biển Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind theo đề xuất của Tập đoàn Enterprize Energy hiện chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép khảo sát. Qua công văn gửi đến các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh, Sở Công Thương nhấn mạnh, theo bảng tọa độ phạm vi dự án do Tập đoàn Enterprize Energy cung cấp thì khu vực khảo sát lắp đặt tua bin gió, tổng diện tích thực tế khoảng 1.755 km2 (khu vực A - khoảng 882 km2, khu vực B – khoảng 873 km2) và khu vực khảo sát tuyến cáp điện ngầm nối bờ, có diện tích thực tế khoảng 899 km2. Tuy nhiên, qua rà soát, đối chiếu tọa độ phạm vi dự án do Tập đoàn Enterprize Energy cung cấp so với các công văn của Chính phủ, Bộ Công Thương thì Sở Công Thương xác định: Thủ tướng Chính phủ chỉ mới đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư thực hiện việc khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió tại khu vực khảo sát lắp đặt tua bin gió, tổng diện tích thực tế khoảng 1.755 km2 (khu vực A - khoảng 882 km2, khu vực B – khoảng 873 km2). Còn đối với khu vực khảo sát tuyến cáp điện ngầm nối bờ, có diện tích thực tế khoảng 899 km2, hiện nay chưa được cơ quan có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ) cho phép khảo sát.
Điều đáng nói, tại khu vực khảo sát tuyến cáp điện ngầm nối bờ, có diện tích thực tế khoảng 899 km2 chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép khảo sát nêu trên, hiện có 3 nhà đầu tư đề xuất phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Vì vậy, UBND tỉnh đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, Dự án cụm nhà máy điện gió ngoài khơi AMI AC theo kiến nghị của Công ty cổ phần AMI AC Renewables với toàn bộ khu vực đề xuất khảo sát khoảng 210 km2; Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam theo kiến nghị của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi với toàn bộ khu vực đề xuất khảo sát khoảng 165 km2 và Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong theo kiến nghị của Công ty cổ phần Zarubezhneft và Công ty DEME Concessions Wind với một phần khu vực đề xuất khảo sát khoảng 23/258 km2.
Từ đây, câu chuyện đấu giá mặt nước biển chuẩn bị bắt đầu, nhất là xu hướng đầu tư trên thế giới đang hướng về phía biển, khi những ngày qua đã rộn ràng việc lập quy hoạch không gian biển. Và biển Hàm Thuận Nam có thể là nơi triển khai đầu tiên.