Hướng tới mô hình trường học điện tử
Ðể đáp ứng nhu cầu học trực tuyến của học sinh phổ thông một cách hiệu quả, thống nhất, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Hà Nội vừa chính thức triển khai hệ thống học trực tuyến với lớp 8, lớp 9 trên địa bàn toàn thành phố.
Ðể đáp ứng nhu cầu học trực tuyến của học sinh phổ thông một cách hiệu quả, thống nhất, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Hà Nội vừa chính thức triển khai hệ thống học trực tuyến với lớp 8, lớp 9 trên địa bàn toàn thành phố.
Học trực tuyến đang được đánh giá là hình thức phù hợp trong tình hình học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19. Mới đây, ngày 21-2, Sở GD-ÐT Hà Nội đã chính thức triển khai ôn tập trực tuyến cho học sinh lớp 8, lớp 9. Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ÐT) Kiều Văn Minh cho biết, Sở đã phối hợp Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin giáo dục thuộc Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD-ÐT xây dựng hệ thống học tập trực tuyến (Hanoi Study) đặt tại địa chỉ http://study.hanoi.edu.vn. Sở đề nghị các phòng GD-ÐT, ban giám hiệu, giáo viên các trường THCS thực hiện hướng dẫn học sinh ôn tập trực tuyến, nhằm hỗ trợ học sinh khối 8, 9 năm học 2019 - 2020 ôn tập hiệu quả các môn học. Hệ thống học tập trực tuyến này được triển khai đến tất cả các trường THCS trên toàn thành phố, sau khi đã thử nghiệm tại 15 trường THCS, cho phép học sinh khối 8, 9 có thể tham gia ôn luyện trực tuyến. Sở yêu cầu các trường THCS khởi tạo tài khoản cho học sinh đang học tại trường và chịu trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản.
Các em học sinh ôn tập kiến thức bằng hình thức trắc nghiệm khách quan trên hệ thống Hanoi Study bằng máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối in-tơ-nét. Ngân hàng câu hỏi ôn tập trực tuyến gồm bảy môn học dành cho khối lớp 8 và lớp 9 (Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học, tiếng Anh). Mỗi môn bao gồm các bài ôn tập kiến thức học kỳ 1, học kỳ 2 và phần ôn tập chung. Ðại diện Sở GD-ÐT Hà Nội cho biết, trong quá trình triển khai, nếu có thắc mắc, giáo viên bộ môn, học sinh các trường THCS có thể tập hợp về phòng GD-ÐT các quận, huyện, thị xã, sau đó gửi Sở GD-ÐT để kịp thời tháo gỡ. Các môn học, cấp học còn lại cũng sẽ được triển khai, để sớm đưa vào hệ thống sử dụng chung miễn phí trên địa bàn toàn thành phố. Ðây được coi là một đổi mới hình thức dạy học, xây dựng lớp học thông minh, từng bước tiến tới mô hình trường học điện tử trong kỷ nguyên số hóa.
Thời gian qua, nhiều trường học ở Hà Nội cũng đã triển khai học trực tuyến theo năng lực mỗi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy còn một số vướng mắc. Chị Phan Ðăng Hạnh, phụ huynh một học sinh Trường THCS Lê Quý Ðôn, (quận Nam Từ Liêm) cho biết, việc học trực tuyến được trường triển khai để giúp học sinh không quên kiến thức, nhưng không phải học sinh nào cũng thích nghi và học có hiệu quả. "Học trực tuyến có nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo nhiều nguy cơ. Khi con tôi lên mạng để học trực tuyến, tôi phải ngồi cạnh con, vì cháu rất thích vào chat (trò chuyện) hay xem phim trên YouTube, nghĩa là cháu có thể lợi dụng việc học trực tuyến để vào mạng xã hội, rất khó kiểm soát" - chị Hạnh cho biết.
Về vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường liên cấp Lê Quý Ðôn cho rằng, việc học trực tuyến hiện nay chưa được triển khai thống nhất và mới chỉ là biện pháp có tính tự phát vào thời điểm học sinh nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có nền tảng công nghệ thông tin tốt và không phải học sinh nào cũng có khả năng tập trung, kỹ năng học online (trực tuyến). Cho nên, việc dạy online chỉ là giải pháp tình thế, để bảo đảm việc học tập của học sinh không bị nhiều gián đoạn. Mặc dù vậy, thầy Bình khẳng định đây là mô hình học tập hiện đại, phù hợp thực tế, cho nên các trường cần quan tâm, đầu tư xây dựng theo hệ thống chuẩn chung để áp dụng thường xuyên hơn, tạo thói quen tích cực trong học sinh, giáo viên.
Trưởng phòng GD-ÐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, đối với các vùng nông thôn, việc áp dụng học trực tuyến chưa đạt hiệu quả cao, ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, còn các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp như điều kiện kinh tế, tính phổ biến, phổ cập chưa có. Ở các huyện còn khó khăn như in-tơ-nét Ba Vì, nhiều gia đình chưa lắp đặt hệ thống internet, số học sinh, phụ huynh sử dụng điện thoại thông minh, cũng như các điều kiện công nghệ hỗ trợ khác chưa nhiều, cho nên chưa thể triển khai học trực tuyến một cách đại trà trong thời gian này.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43378102-huong-toi-mo-hinh-truong-hoc-dien-tu.html