Hướng tới mối quan hệ ổn định

Ngày 27.5 tới, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Seoul. Các chuyên gia cho rằng, việc nối lại cuộc họp sau hơn 4 năm gián đoạn là 'một dấu hiệu đáng khích lệ' mang lại nhiều kỳ vọng về động lực cho mối quan hệ ba bên; song cũng lưu ý, những rủi ro của trò chơi địa chính trị và sự can thiệp từ bên ngoài sẽ vẫn là biến số của mối quan hệ này.

Tầm quan trọng của cơ chế ba bên

Cơ chế thượng đỉnh ba bên thường là một khuôn khổ hữu hiệu để giúp cải thiện các “cạnh” trong tam giác quan hệ. Chẳng hạn, những khúc mắc đáng kể giữa hai quốc gia láng giềng là Nhật Bản và Hàn Quốc đã được tháo gỡ phần nào sau cuộc gặp lịch sử giữa ba nước bao gồm Mỹ tại Trại David vào tháng 8 năm ngoái.

Nguồn: Global Times

Nguồn: Global Times

Một Hội nghị Thượng đỉnh ba bên khác cũng từng được thiết lập giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng ít được chú ý hơn. Chính thức ra mắt cách đây 26 năm, cơ chế hội nghị thượng đỉnh này bao gồm một văn phòng ban thư ký chuyên trách, Ban Thư ký Hợp tác ba bên (the Trilateral Cooperation Secretariat - TCS), có trụ sở tại Seoul với nhân sự là các quan chức chính phủ của ba quốc gia.

Công lao ban đầu để thiết lập cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh ba bên của ba nước Đông Á thuộc về cố Thủ tướng Nhật Bản Obuchi Keizo, người đã đề xuất ý tưởng này với Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là ông Kim Dae-jung, người sau đó đã chuyển thông điệp tới Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Cơ chế hợp tác này được thiết lập ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997. Vào thời điểm đó, ba nhà lãnh đạo nhận thấy các nước láng giềng Đông Á cần phải đoàn kết sâu sắc hơn để đối phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Năm 1998, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi công bố tuyên bố chung nhằm thiết lập quan hệ đối tác mới giữa Hàn Quốc và Nhật Bản dựa trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, gác lại quá khứ; hướng tới tương lai. Trung Quốc, dưới thời Thủ tướng Chu Dung Cơ theo định hướng cải cách, cũng có động lực hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng công nghiệp tiên tiến với các nước láng giềng.

Các nhà lãnh đạo lần đầu tiên gặp nhau trong bữa sáng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 tại Manila vào năm 1999. Các cuộc họp tiếp theo được tiến hành ở nhiều cấp, thuộc các chính quyền diễn ra sau đó. Mười năm sau, vào năm 2008, ba nước quyết định thể chế hóa Hội nghị Thượng đỉnh thành một sự kiện thường xuyên, thành lập TCS vào năm 2011 để điều phối các dự án ba bên. Quyết định đặt TCS ở Seoul phản ánh mối quan hệ tương đối tốt của Hàn Quốc với cả Trung Quốc và Nhật Bản vào thời điểm đó.

Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Đông Á được lên kế hoạch tổ chức hàng năm, nhưng những khúc mắc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, mâu thuẫn lịch sử và các tình huống chính trị của mỗi nước đã ảnh hưởng đến lịch trình tổ chức các kỳ hội nghị. Đại dịch Covid-19 cũng khiến hội nghị thượng đỉnh phải tạm dừng. Và cuộc họp ngày 27.5 tới sẽ là lần đầu tiên sau hơn 4 năm, ba quốc gia nối lại hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc giữ vai trò chủ tịch luân phiên.

Tập trung vào những “vấn đề mềm”

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 23.5 dẫn lời Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết, các cuộc thảo luận song phương sẽ diễn ra vào ngày 26.5 và Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra vào ngày 27.5, tập trung thảo luận 6 lĩnh vực hợp tác. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như gặp gỡ doanh nhân và tham dự diễn đàn kinh doanh; ông Kim Tae-hyo cho rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ góp phần khôi phục và bình thường hóa hoàn toàn cơ chế hợp tác ba bên, đồng thời tạo cơ hội để phục hồi động lực hợp tác thực chất và hướng tới tương lai của ba nước.

Các chuyên gia cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh sẽ né tránh những vấn đề có thể gây mâu thuẫn, thay vào đó, tập trung vào “các vấn đề mềm”, như thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các chủ đề không gây tranh cãi khác. Ngoài ra, ba nước được cho là đã đạt được sự đồng thuận về mở rộng thương mại tự do và hợp tác để ổn định chuỗi cung ứng. Các cuộc thảo luận có thể sẽ bao gồm các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch của chuỗi cung ứng thực phẩm và tài nguyên, sử dụng công nghệ kỹ thuật số, bảo vệ sở hữu trí tuệ và tăng cường hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp. Các nhà quan sát cũng kỳ vọng cuộc gặp sẽ thúc đẩy một vòng đàm phán mới về các hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, vốn một khi được tích hợp với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có thể kích thích mức độ hợp tác thể chế cao hơn giữa ba bên.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, cơ chế ba bên đóng vai trò quan trọng vì mối quan hệ giữa ba nước láng giềng không thể tách rời và ba nền kinh tế có mức độ bổ sung cao; ông Lu Chao, chuyên gia về Bán đảo Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh nhận định với Global Times ngày 23.5: “Ba cường quốc kinh tế đều có chung mong muốn hợp tác, đúng như người ta thường nói, đoàn kết mang lại lợi ích, bất hòa dẫn đến tổn hại”. Nhìn vào khoảng thời gian gián đoạn có thể thấy quyết định nối lại hội nghị thực sự là một bước phát triển đáng khích lệ, cho thấy sự đồng thuận trong việc khôi phục hợp tác.

Da Zhigang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại Học viện Khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang, nói với Global Times: “Quyết định nối lại Hội nghị mang lại nhiều cơ hội hơn là thách thức. Bởi sự kiện này sẽ thúc đẩy khả năng đối thoại nhiều hơn là tạo ra bất đồng”. Theo ông Da Zhigang, ba nước có thể tận dụng cơ hội này để đạt được sự đồng thuận trong việc quản lý sự khác biệt, đồng thời tạo ra các khuôn khổ hợp tác, đặc biệt là về mặt thể chế để thúc đẩy hiệu quả trong lĩnh vực thương mại.

Biến số ảnh hưởng tới quan hệ giữa các bên

Tuy nhiên, trắc trở trong quá trình triệu tập một cuộc họp như vậy trong suốt 4 năm qua đã nêu bật những thách thức trong việc đạt được bất kỳ một cam kết thực chất nào, do chiến lược của mỗi quốc gia khác nhau và mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ. Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải đối mặt với thế cân bằng khó khăn khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả hai nước vào năm ngoái và Mỹ là đối tác an ninh lớn nhất, với hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở hai nước.

Bên cạnh đó, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc để giành vị trí thống trị về chất bán dẫn. Washington đã áp đặt một hàng rào hạn chế để ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các chất bán dẫn mới nhất và thiết bị phức tạp cần thiết để sản xuất mặt hàng chip tiên tiến nhất. Vì vậy, Trung Quốc có thể tận dụng cuộc gặp lần này để thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc không tham gia các nỗ lực của Mỹ.

Trong khi sự khéo léo trong chính sách ngoại giao cân bằng của Tokyo khi vừa liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ vừa quản lý ổn thỏa mối quan hệ với Trung Quốc khiến cạnh Nhật - Trung trong tam giác quan hệ tương đối ổn định, thì mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul phải đối mặt với nhiều sóng gió hơn. Vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh với vị trí chủ nhà của Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tạo ra chất xúc tác để vực dậy quan hệ Trung - Hàn. Vốn trở nên băng giá kể từ khi Hàn Quốc đồng ý tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến THAAD của Mỹ vào năm 2017, quan hệ song phương càng xuống dốc sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên thệ nhậm chức vào năm 2022.

Tại các cuộc gặp gần đây giữa Ngoại trưởng hai nước tại Busan vào tháng 11.2023 và sau đó là ở Bắc Kinh ngày 13.5 vừa qua, hai bên vẫn chưa tìm ra cách tiếp cận phù hợp để đưa mối quan hệ của họ trở lại đúng hướng. Xem xét các tuyên bố của cả hai nước sau cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng, có thể thấy rõ sự khác biệt về mối ưu tiên trong các vấn đề nhạy cảm. Trong khi phía Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc hồi hương những người Triều Tiên đào tẩu qua biên giới, thì vấn đề này đã bị bỏ qua trong tuyên bố của Trung Quốc. Ngược lại, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) vốn là mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh, lại không được đưa vào tuyên bố của Hàn Quốc.

Trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là một màn trình diễn quan trọng đối với nền ngoại giao của Hàn Quốc và hội nghị sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem liệu có thể mở đường cho mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng hơn giữa ba nước hay không.

Quốc Đạt (Theo The Diplomat, Global Times, Yonhap)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/huong-toi-moi-quan-he-on-dinh-i372802/