Thêm thành viên NATO gửi tên lửa Storm Shadow tới Ukraine, lực lượng Nga gặp khó

Sự hiệu quả của Storm Shadow trên chiến trường Ukraine đang khiến quân đội Nga gặp không ít khó khăn để đối phó với vũ khí này.

Theo tờ Fatto Quotidiano, Italia đang xem xét gửi tên lửa Storm Shadow tới Ukraine như một phần của gói hỗ trợ quân sự mới. Việc giao hàng có thể diễn ra vào cuối tháng 6 này.

Báo cáo chỉ ra rằng, quyết định này phù hợp với sáng kiến rộng hơn của liên minh, nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Một quan chức trong chính phủ Italia đã đề cập rằng, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong những tuần tới, sau những cuộc thảo luận với các đồng minh NATO và tham vấn với các quan chức Ukraine. Đề xuất này cũng sẽ được đánh giá trong chiến lược rộng hơn của các nước châu Âu nhằm hỗ trợ Ukraine.

Tên lửa Storm Shadow được găn trên máy bay chiến đấu Typhoon.

Tên lửa Storm Shadow được găn trên máy bay chiến đấu Typhoon.

Tên lửa Storm Shadow là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không do Pháp và Vương quốc Anh phát triển. Tên lửa này được thiết kế để nhắm vào các cơ sở hạ tầng có giá trị cao, được bảo vệ tốt như căn cứ không quân, cơ sở radar, trung tâm liên lạc và các tài sản chiến lược khác. Storm Shadow nổi tiếng với độ chính xác và khả năng tránh né hệ thống phòng thủ của đối phương, khiến nó trở thành một thành phần quan trọng trong kho vũ khí của các nước NATO.

Về kích thước, tên lửa Storm Shadow có chiều dài khoảng 5,1 m, sải cánh khoảng 3 m. Trọng lượng của tên lửa tương đối lớn, lên tới khoảng 1.300 kg, nhưng điều này cũng gây áp lực đáng kể cho tải trọng của những máy bay mang nó.

Hệ thống đẩy của tên lửa Storm Shadow là động cơ phản lực, cho phép nó duy trì tốc độ cận âm khi di chuyển quãng đường dài. Động cơ tên lửa được thiết kế đặc biệt, mang lại sự cân bằng giữa tốc độ và hiệu quả sử dụng nhiên liệu, đồng thời cho phép tên lửa tiếp cận mục tiêu một cách chính xác.

Storm Shadow được trang bị các hệ thống dẫn đường tiên tiến như GPS và dẫn đường tham chiếu địa hình, cho phép tên lửa bay ở độ cao thấp và tránh bị radar đối phương phát hiện. Tên lửa cũng có các hệ thống dẫn đường phức tạp, bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và đầu dò hình ảnh hồng ngoại (IIR) để dẫn đường ở giai đoạn cuối.

Tên lửa Storm Shadow có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn, phổ biến nhất là đầu đạn BROACH (Bom Royal Ordnance Augmented Charge). Đầu đạn này được chế tạo để xuyên thủng các mục tiêu kiên cố và mang theo một lượng thuốc nổ mạnh. Đầu đạn BROACH được thiết kế với hai đầu đạn, khi chạm vào mục tiêu đầu đạn thứ nhất sẽ tạo ra lỗ thủng ban đầu, tiếp theo đầu đạn chính sẽ xuyên vào trong và tối đa hóa thiệt hại bên trong mục tiêu.

Tên lửa Storm Shadow.

Tên lửa Storm Shadow.

Phạm vi hoạt động của tên lửa Storm Shadow là khoảng 560 km (khoảng 350 dặm), cho phép nó tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, mà máy bay mang tên lửa vẫn ở khoảng cách an toàn, nằm ngoài hệ thống phòng thủ của đối phương.

Với phạm vi hoạt động như vậy, Storm Shadow thực sự là một vũ khí chiến lược, rất phù hợp để tiến hành các cuộc tấn công chính xác, mà giảm thiểu được rủi ro cho các máy bay chiến đấu.

Tên lửa có thể được trang bị trên các loại máy bay tiên tiến nhất của châu Âu như Eurofighter Typhoon, Dassault Rafale và Panavia Tornado. Ngoài ra, Storm Shadow cũng có thể được tích hợp với các nền tảng máy bay chiến đấu khác, cho thấy tính linh hoạt của loại tên lửa này trong chiến đấu.

Các quốc gia phương Tây đang cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến, nhưng việc gây nhiễu GPS của Nga lại là một thách thức đáng kể. Vào cuối tháng 5/2023, các quan chức Ukraine đã nhấn mạnh sự nguy hiểm từ các hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Điều thú vị là bom đường kính nhỏ GBU-39 của Mỹ đã chứng minh được khả năng chống chịu trước các máy gây nhiễu của Nga, với gần 90% các phát bắn trúng mục tiêu dự định.

Mặt khác, các phiên bản cải tiến trên mặt đất của GLSDB (bom đường kính nhỏ phóng từ trên không) đã giảm dần độ chính xác. Trong khi đó, tên lửa Storm Shadow của Anh vẫn hoạt động tốt trước tác chiến điện tử của Nga. Bởi tên lửa có nhiều hệ thống định vị, bao gồm bản đồ địa hình được tích hợp bên trong kết nối với tín hiệu GPS.

Bất chấp những cải tiến từ Ukraine, lực lượng Nga đã đánh chặn thành công một số tên lửa loại này. Nga đã đầu tư rất nhiều vào các hệ thống tác chiến điện tử, chứng tỏ có hiệu quả cao trong việc làm gián đoạn các hoạt động và hệ thống vũ khí của Ukraine.

Lê Hưng (Bulgarian Military)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/them-thanh-vien-nato-gui-ten-lua-storm-shadow-toi-ukraine-luc-luong-nga-gap-kho-ar878360.html