Hướng tới một Đông Bắc Á hòa bình, ổn định và phát triển

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ba bên đầu tiên sau hơn 4 năm tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào ngày 26-27/5. Việc nối lại sự kiện quan trọng này, từng được coi là truyền thống thường niên giữa ba nước láng giềng, sẽ góp phần tạo bầu không khí hợp tác, hữu nghị, cùng hướng tới một Đông Bắc Á hòa bình, ổn định và phát triển.

Đây là thượng đỉnh đầu tiên của lãnh đạo ba nước Đông Bắc Á kể từ năm 2019 khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại khu vực. Tuy nhiên, đại dịch không phải lý do duy nhất trì hoãn cuộc gặp quan trọng này. Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến vấn đề lịch sử, thương mại và công nghệ mới tạm lắng sau thỏa thuận của lãnh đạo hai bên hồi tháng 3/2023. Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản cũng chứng kiến tín hiệu trái chiều. Một mặt, kênh ngoại giao cấp nhà nước gần như đóng băng do lập trường của Tokyo về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và việc Trung Quốc cấm hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản.

Mới đây, Sách trắng quốc phòng năm 2023 của đất nước Mặt trời mọc cho rằng, hành động của Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng an ninh “nghiêm trọng và phức tạp” ở khu vực. Mặt khác, chính tài liệu này kêu gọi xây dựng “liên kết cùng có lợi” với Trung Quốc. Đồng thời, số liệu chỉ ra rằng, trong năm tài khóa vừa qua, 60 đoàn tỉnh trưởng, thị trưởng Nhật Bản đã thăm Trung Quốc và dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng.

Trong khi đó, ngày 20/5 đánh dấu lần đầu tiên trong bảy năm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp người đồng cấp Hàn Quốc ở Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. Ông khẳng định: “Không có xung đột lợi ích cơ bản nào giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Cả hai nên cùng hướng tới trạng thái hài hòa dù khác biệt”.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tham dự cuộc gặp thượng đỉnh ba bên.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tham dự cuộc gặp thượng đỉnh ba bên.

Một trong những khác biệt đó là vấn đề Triều Tiên. trong Tuyên bố chung, hai bên chỉ nêu lại lập trường, thay vì đồng thuận, đột phá trong thái độ đối với Bình Nhưỡng. Khi ấy, Hội nghị Thượng đỉnh ba bên lần này vừa là kết quả từ sự “hạ nhiệt” trong quan hệ giữa ba nước, vừa là cơ hội để các bên cùng nhau thúc đẩy quá trình này.

Theo các nhà quan sát ngoại giao, việc Trung Quốc sẵn sàng tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ba bên là xuất phát từ động cơ chiến lược, nhằm bảo vệ lợi ích khu vực của nước này trong bối cảnh liên minh do Mỹ-Nhật-Hàn do Washington dẫn đầu gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh. Chuyên gia Kang Jun-young, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Hankuk, nhận định: “Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Hàn Quốc khỏi liên minh Hàn-Mỹ-Nhật. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực, kết quả mang lại không đáng kể”.

Theo ông, Bắc Kinh coi Seoul là mắt xích yếu nhất trong mạng lưới liên minh của Mỹ. Vị chuyên gia đồng thời chỉ ra rằng, Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến cũng sẽ ít gây gánh nặng hơn cho Trung Quốc vì nó thường đề cập đến các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa hơn là các vấn đề chính trị và ngoại giao. Ông nhận định: “Trung Quốc sẽ tìm cách giảm thiểu các cuộc thảo luận chính trị và ngoại giao có khả năng khiến Hàn Quốc và Nhật Bản phản đối Trung Quốc”.

Về phía Seoul và Tokyo, tại sự kiện đặc biệt này, hai nước có thể tìm cách tận dụng ảnh hưởng của Bắc Kinh để gây sức ép lên Triều Tiên nhằm ngăn chặn các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này mặc dù điều này khó có kết quả. Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, ông Yang Moo-jin cho rằng: “Cuộc gặp lãnh đạo ba nước có ý nghĩa nhưng khó có thể tạo ra bước ngoặt trong việc thay đổi đáng kể tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Có lẽ nó chỉ nhằm mục đích xác nhận những khác biệt hiện có về quan điểm”.

Trong khi đó, ông Lee Hee Sup, Tổng Thư ký thuộc Ban thư ký hợp tác ba nước có trụ sở tại Seoul, cho rằng, thể chế hóa sự phối hợp ba bên là điều quan trọng nhất, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và xung đột khu vực phức tạp hơn bao giờ hết. Quan chức này đánh giá hợp tác ba bên vẫn được duy trì, bất chấp biến động trong các mối quan hệ song phương. Từ khi được khởi xướng 25 năm trước, quan hệ hợp tác này đã góp phần thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, từ 130 tỷ USD (1999) lên 780 tỷ USD (2022), góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân trong khu vực.

Đáng chú ý, ông nêu rõ quan hệ đối tác Trung-Nhật-Hàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, còn liên kết Mỹ-Nhật-Hàn tập trung vào khía cạnh an ninh. Về khác biệt quan điểm giữa Bắc Kinh với Seoul và Tokyo về Bình Nhưỡng, Tổng Thư ký Lee Hee Sup nhận định, không quốc gia nào muốn căng thẳng tại Đông Bắc Á, nhấn mạnh nhu cầu hợp tác để giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên.

Theo các nguồn tin, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ có cuộc hội đàm song phương riêng rẽ với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào ngày 26/5, trước cuộc gặp ba bên vào ngày hôm sau. Dự kiến, sau cuộc gặp thượng đỉnh, ba bên sẽ thông qua một tuyên bố chung về sáu lĩnh vực chính bao gồm giao lưu nhân dân, khoa học và công nghệ, phát triển bền vững, y tế công cộng, hợp tác kinh tế - thương mại, hòa bình và an ninh. Về hợp tác kinh tế, ba nước nhiều khả năng nhất trí mở rộng thương mại, đầu tư tự do và công bằng, song song với tăng cường kết nối chuỗi cung ứng.

Trong vấn đề già hóa, suy giảm dân số, thách thức chung của cả ba, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để giải quyết thực trạng này. Bên cạnh đó, các bên cũng đang thảo luận để nối lại đối thoại về thỏa thuận thương mại ba bên, tiến trình đã bị đình trệ từ năm 2019.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/huong-toi-mot-dong-bac-a-hoa-binh-on-dinh-va-phat-trien-i732372/