Đại biểu Quốc hội: tăng lương, phải kiểm soát được giá cả

Ngày 24/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần có thêm các giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả để không xảy ra tình trạng 'lương tăng, giá cũng tăng'.

Không để xảy ra tình trạng “lương tăng, giá cũng tăng”

Người lao động khu vực Nhà nước đang quan tâm về việc tăng 30% lương cơ sở - mức tăng lớn nhất từ trước đến nay, được áp dụng từ ngày 1/7 sắp tới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/7 sắp tới là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước đến nay. Cùng đó, cần có thêm các giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả để không xảy ra tình trạng “lương tăng, giá cũng tăng” không phải là chuyện mới.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, việc điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/7 sắp tới là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước đến nay

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, việc điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/7 sắp tới là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước đến nay

Đón nhận thông tin này, người lao động trong khu vực Nhà nước với tâm trạng nửa mừng, nửa lo. Mừng vì thu nhập từ lương được tăng đáng kể, nhưng lo là vẫn tiếp diễn tình trạng từ trước đến nay vẫn xảy ra, đó là cứ tăng lương là giá cả lại tăng theo, khiến cho việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản thôi chứ không phải nâng cao đời sống người lao động.

Do đó, bài toán đặt ra hiện nay khá nan giải với Chính phủ là phải có giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô như thế nào để kiểm soát được giá cả. Giá cả theo thời gian sẽ có sự tăng theo quy luật, tuy nhiên, hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng lương để tăng giá một cách không theo quy luật nào, chỉ vì người lao động được tăng lương là tăng giá, thì cần sự quản lý sâu sát, để làm sao việc tăng lương thật sự cải thiện đời sống người lao động và niềm vui tăng lương được trọn vẹn.

“Chúng ta đã dự kiến cải cách tiền lương, nhưng cuối cùng hiện tại là thực hiện tăng lương. Hai việc này có điểm chung, dù cải cách tiền lương hay tăng lương, thì lương của người lao động nói chung được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, có điểm khác nhau cơ bản về cách tính lương. Nếu cải cách tiền lương, bỏ cách tính truyền thống theo lương cơ sở, theo ngạch bậc, thâm niêm công tác và phụ cấp; và tính lương theo vị trí việc làm của người lao động, thì tính lương theo cải cách tiền lương đảm bảo công bằng, khoa học hơn” - nữ đại biểu đoàn Hải Dương chia sẻ.

Tăng 30% lương cơ sở từ ngày 1/7 là giải pháp trước mắt tốt nhất

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay, cùng vị trí việc làm, cùng trình độ, nhưng nếu khác thâm niên công tác thì mức lương của người lao động cùng làm một công việc đấy rất khác nhau, thậm chí chênh nhau nhiều lần. Với một sinh viên mới ra trường, rất có năng lực, đảm nhiệm công việc đó, với một người đã làm công việc đó nhiều năm, thì mức lương chênh nhau rất nhiều, dẫn đến chưa công bằng lắm.

Nếu cải cách được cách tính tiền lương, sẽ có cách tính khoa học, hiện đại, công bằng, tiệm cận với cách tính của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Nhưng cải cách là sự thay đổi triệt để, phải có nhiều điều kiện đi kèm, trong đó có điều kiện về nguồn lực. Chúng ta đã có một khoản ngân sách tiết kiệm trong mấy năm, nhưng cải cách tiền lương không chỉ dùng nguồn lực tiết kiệm vì đây là bài toán dài hơn.

Bên cạnh việc tiết kiệm, phải có nhiều giải pháp khác như nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, chỉ số GDP hàng năm tăng cao hơn chứ không chỉ đơn thuần là dành được bao nhiêu tiền để cải cách tiền lương. Đồng thời, phải sửa đổi thể chế, vì hiện nay với cách tính lương truyền thống liên quan đến nhiều quy định khác nhau.

“Ví dụ, Luật Bảo hiểm xã hội đang được xem xét, sửa đổi, căn cứ cho người lao động đóng bảo hiểm là mức lương cơ sở, bây giờ sửa đổi cách tính lương thì phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, các luật liên quan đến thi đua khen thưởng cũng phải rà soát để sửa đổi vì hiện vẫn tính thi đua khen thưởng theo hệ số lương. Bên cạnh đó, phải xây dựng được vị trí việc làm, mô tả được các vị trí việc làm hưởng lương từ ngân sách. Đây là công việc khó nhất, lâu dài nhất, cần nhiều thời gian và công sức và đến hiện tại chưa làm xong, dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Ngoài ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, còn nhiều yếu tố khác mà việc cải cách tiền lương nếu thực hiện ngay thì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Chính phủ quyết định trước mắt chưa thực hiện toàn bộ nội dung cải cách tiền lương, mà thực hiện một số nội dung, trong đó có nội dung tăng lương.

“Việc tăng lương 30% đáp ứng nhu cầu trước mắt là người lao động rất mong chờ, mức lương về cơ bản đáp ứng đươc yêu cầu cuộc sống của họ. Tôi cho rằng đây là giải pháp trước mắt tốt nhất. Tuy nhiên, cùng với giải pháp này, Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm thích hợp. Để có nguồn lực thật sự vững chắc thực hiện cải cách tiền lương, các giải pháp nâng cao năng suất lao động, tinh gọn bộ máy, nâng cao GDP là điều rất quan trọng” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tang-luong-phai-kiem-soat-duoc-gia-ca.html