Hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030
Ngày 30/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế và USAID/PATH Healthy Markets chủ trì hội thảo về Sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, nhằm điểm lại những tiến bộ, cơ hội và thách thức, làm cơ sở đưa ra các định hướng chiến lược tiến tới 'Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030'.
Tại hội thảo, lãnh đạo và các cán bộ cấp cao của Bộ Y Tế (BYT), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Đại sứ quán Hoa Kỳ, tổ chức phi chính phủ PATH, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhà tài trợ, các công ty tư nhân, các doanh nghiệp xã hội, nhà đầu tư, vườn ươm doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế và các tổ chức cộng đồng cùng trao đổi thảo luận về đóng góp chiến lược của khu vực tư nhân trong việc đảm bảo nguồn tài chính cho Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS hiện tại và tương lai.
Nguồn tài trợ quốc tế giảm mạnh cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là một thách thức lớn trong việc đảm bảo duy trì chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đã cam kết đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 do Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đề ra và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Ngoài nguồn lực tài chính từ Bảo hiểm Y tế và ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân đóng góp cho các hoạt động tạo cầu, cung cấp hàng hóa và dịch vụ HIV cũng đóng vai trò vô cùng quan trong để duy trì Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Phương pháp tiếp cận thị trường tổng thể là một giải pháp hợp lý. Đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa việc đảm bảo ưu tiên nguồn lực công cho những người yếu thế và nghèo nhất thông qua cung cấp hàng hóa và dịch vụ miễn phí hoặc trợ giá, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng và sẵn sàng chi trả.
Dự án Healthy Markets (HM) được tài trợ của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và do PATH thực hiện. Dự án đã hợp tác với Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2014 triển khai các hoạt động nhằm phát triển thị trường thương mại về hàng hóa và dịch vụ HIV. Healthy Markets đã kết nối các doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức cộng đồng để cùng nhau đáp ứng các nhu cầu còn thiếu hụt trong Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS.
Với cách tiếp cận theo định hướng thị trường, lấy con người làm trung tâm, và cùng chia sẻ những giá trị cốt lõi, hơn 50 doanh nghiệp xã hội (SE), các tổ chức cộng đồng (CBOs) và các phòng khám tư nhân của cộng đồng đang cung cấp những lựa chọn mới nhằm đáp ứng nhu cầu những người bị ảnh hưởng bởi HIV. Điều này giúp tăng lựa chọn cho khách hàng, tự chủ về tài chính, và thúc đẩy thị trường hàng hóa và dịch vụ HIV phát triển vững mạnh. 25 trong hơn 50 đối tác này đang tạo được nguồn thu từ việc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ HIV.
Cộng đồng của những người có nguy cơ cao nhiễm HIV, như nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy và phụ nữ mại dâm, đã chứng tỏ năng lực và tư duy doanh nghiệp của mình. Nhờ có được sự tin tưởng từ cộng đồng của mình, họ có thể cung cấp những dịch vụ linh hoạt phù hợp dựa trên sự thấu hiểu và không phán xét. Điều này đã góp phần lớn vào việc tăng phát hiện và giảm lây truyền HIV.
Năm 2015, một thị trường bao cao su bền vững, đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi HIV đã được hình thành với sự hợp tác công-tư và các kênh phân phối mới. Thị trường này đã tiếp tục phát triển với hơn 82 triệu bao cao su được bán ra tính đến tháng 3/2019. Bên cạnh đó, từ năm 2015 cho đến nay, hơn 140. 000 người đã được xét nghiệm HIV thông qua các tổ chức cộng đồng và các doanh nghiệp xã hội của cộng đồng, trong đó đa số khách hàng là những người được xét nghiệm HIV lần đầu và với tỉ lệ dương tính cao. Từ năm 2016, tám phòng khám tư nhân của cộng đồng đã được thành lập đáp ứng nhu cầu của cộng đồng những người bị ảnh hưởng bởi HIV mong muốn tìm kiếm dịch vụ tại cơ sở y tế tư nhân.
Kết quả khảo sát do dự án Healthy Markets thực hiện với 9 tổ chức là phòng khám tư cộng đồng, doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa và dịch vụ HIV, cho thấy bằng chứng trong 5 năm qua, các đối tác tư nhân tham gia lĩnh vực HIV có thể tự chủ được về mặt tài chính. 9 đối tác được khảo sát đại diện cho các mô hình kinh doanh khác nhau: từ đại lý bán bao cao su nhỏ cho đến chuỗi phòng khám tư. Những đối tác này có mức doanh thu hàng năm tăng hơn gấp đôi, từ US$355,886 lên đến US$863,033 từ năm 2016-2018. Nguồn tài chính thu được từ các mô hình kinh doanh này thúc đẩy định hướng đảm bảo tài chính trong nước cho chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam và nâng cao khả năng tự chủ tài chính.
Là một phần của phương pháp tiếp cận tổng thể, Healthy Markets làm việc với tất cả các bên có liên quan trong chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa về giá cả, lựa chọn sản phẩm, nơi cung cấp và quảng bá sản phẩm. Healthy Markets đã hợp tác với nhiều công ty đa quốc gia như Abbot, OraSure Technologies, bioLytical Laboratories, Durex, Mylan và Hetero và các công ty trong nước như Vietnam Rubber Technologies, American Vietnamese Biotech và Medevice 3S. Kết quả của sự hợp tác này thể hiện trong kết quả kinh doanh của các công ty trên cũng như những lợi ích về sức khỏe mang lại cho cộng đồng. Trong năm nay, ước tính có hơn 2 triệu đô-la Mỹ được đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa HIV từ khu vực tư nhân.
Yếu tố chính thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực HIV tại Việt Nam chính là sự lãnh đạo và quản lý của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC). Nhờ có sự hợp tác và cam kết của VAAC trong việc đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chất lượng cao tại khu vực ngoài nhà nước, quy trình quản lý hàng hóa và dịch vụ liên quan đến HIV tiếp tục được cải thiện.
Thông qua PEPFAR, Chính phủ Hoa Kỳ làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác khác bao gồm dự án USAID/PATH Healthy Markets để xây dựng Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS bền vững. Các phòng khám tư nhân, doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng là những người tiên phong mở đường cho con đường tự chủ tài chính trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Những bài học có được trong 5 năm qua là tiền đề rất quan trọng định hướng cho việc cần phải làm gì tiếp theo để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và thể hiện định hướng này trong Chiến lược tiến tới Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 của Chính phủ Việt Nam.